Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / 40 năm hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Thái Hòa và tôi

40 năm hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, Thái Hòa và tôi

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Trần Tuyết Hoa, tháng 4 năm 2006.
    Con đường âm nhạc của Trịnh Công Sơn
    Những câu chuyện tản mạn hơn 40 qua với dòng Nhạc Trịnh
    Những kỷ niệm viết về một người bạn tâm giao
    Những lời nhắn gởi của một người Mẹ viết cho đứa con
    Và những niềm hy vọng ...

NHỮNG GIỌNG CA

Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn trong tôi nói riêng và gia đình chúng tôi khởi đầu từ sự tâm giao của những người bạn thời sinh viên. Ở đó tấm lòng chân thành của bạn bè đã đưa chúng tôi lại gần với nhau tự lúc nào không biết. Cho đến khi nhân ra điều này thì âm nhạc Trịnh Công Sơn đã là một phần trong cuộc sống của chúng tôi rồi.

Đầu những năm 1960, tôi nghe một số tình ca là lạ Ướt mi, Thương một người... của Trịnh Công Sơn (TCS) - một nhạc sĩ trẻ chưa nổi tiếng lắm, qua giọng hát liêu trai của Thanh Thúy làm mê hoặc không ít người trẻ. Rồi Nhìn những mùa thu đi với giọng ca trong sáng rất dễ thương, mượt mà, có người cho là “sang trọng” kiểu Huế của Hà Thanh, nhất là khi song ca với giọng truyền cảm kiểu Bắc của Mai Hương, cũng một thời làm người ta khó quên. Đặc biệt khi nghe Chiều một mình qua phố, thì ở lứa tuổi học trò của chúng tôi thời ấy không ai mà không thuộc. Dân Huế lại “ghiền” hơn, có người thích đạp xe lang thang dưới những hàng me xanh Sài Gòn để tự ru dỗ mình cho đở nhớ nhà, tự thì thầm với mình: ”Chiều một mình qua phố / Âm thầm nhớ đến tên em / Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím... Ngày nào mình thôi có nhau xin người biết đau”. Có bạn kêu lên: ”Cha ni ‘ba lơn’ chi lạ, đau hay không thì kệ người ta, mắc chi mình phải ‘xin’?”

Tôi lại nghĩ khác, TCS đã linh cảm được thân phận của kẻ làm ‘người’, làm một ‘vết lăn trầm’ biết đau, cái nỗi đau trần thế trước uy lực cay nghiệt của tạo hóa. Ngay trong tình yêu mà TCS cũng đã bắt đầu trăn trở về thân phận con người từ đây chăng, rồi Diễm xưa, Hạ trắng, đến những Phôi pha, Mưa hồng, Tình nhớ, Tình xa... Rõ ràng tình có buồn thật nhưng không ’sến’, vì những lời ca quá thánh thiện và đầy triết lý: “Làm sao em biết bia đá không đau”... “Ngàn sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đến loạt Ca khúc Da vàng sau này, TCS luôn xin con người ‘biết đau’ trước nỗi đau của người khác trong chiến tranh.

Niên khóa 1964-65, tôi ở trong Ban đại diện Sinh viên Đoàn Đại học Văn khoa Sài Gòn (đường Nguyễn Trung Trực, nay là Thư viện Quốc gia). Lần đầu tiên tôi gặp TCS đến trường tôi hát với ca sĩ Thái Thanh. TCS giới thiệu và nhờ cô hát 2 bài mới sáng tác là Lời buồn thánhTuổi đá buồn. Sơn người gầy, đeo kính cận rộng vành, dáng dấp thư sinh, nói giọng Huế hơi nhỏ nhẹ. Ôm chiếc ghi ta thùng đệm cho Thái Thanh hát giữa trời, trong sân cỏ của trường, không có sân khấu. Hai người đứng trước một bức tường rêu của ngôi nhà tiền chế bỏ hoang, nhìn ra đường Nguyễn Trung Trực. Khán giả hầu hết là những sinh viên trường chúng tôi và bạn bè ngồi xổm xuống đất, lót giấy báo hay guốc dép, không có ghế. Cứ như là mấy đêm hát lửa trại, vậy mà vui. Khi Thái Thanh và mọi người ra về, Sơn ngồi lại với nhóm sinh viên thân hữu của trường. Sơn hỏi ý kiến mọi người, ai cũng khen giọng ca Thái Thanh còn phong độ, còn khỏe quá... Tôi cũng công nhận giọng ca của cô còn tuyệt lắm và rất độc đáo, nhưng xin trả Thái Thanh về cho ‘Hội trùng dương’ và ‘Danube bleu’ (Dòng sông Danube xanh), vì bắt cô hát nhạc của TCS thì ‘hơi uổng’ cho cả hai... Mọi người gật gù và Sơn chú ý đến lời nhận xét hơi ‘lạ’ của tôi rồi bắt đầu làm quen.

Vài tuần sau, Sơn mời Lệ Thu đến hát một số tình ca, quê hương và thân phận của Sơn nữa. Cũng hát trước bức tường rêu phong đó. Khán giả vổ tay tán thưởng, góp ý này nọ. Sơn hỏi riêng tôi: ”Chị thấy sao?” Tôi nói thật: ”Giọng Lệ Thu hay, truyền cảm nhưng có vài bài như vẫn còn thiếu cái gì đó của chất nhạc TCS”. Sơn gật gật...

Rồi bạn bè tổ chức cho TCS tự hát một đêm bên trong căn nhà tiền chế sau này lấy làm phòng ấn loát cho sinh viên. Sơn đứng ôm đàn hát một mình, sinh viên chúng tôi lót giấy báo ngồi xuống đất vây quanh (như trong bức hình tôi còn lưu giữ và đã tặng cho TCS, sau này in vào mặt sau tập nhạc “Những bài ca không năm tháng”). Lần nào TCS cũng được sinh viên hoan nghênh nhiệt liệt và bắt đầu làm quen với sinh viên học sinh từ Đại học Văn khoa.

Tuy vậy, Sơn vẫn cứ muốn đi tìm một giọng ca thật thích hợp cho nhạc của mình để cùng hát thì hay hơn. Sau này Sơn đã gặp được Khánh Ly đang hát cho một phòng trà ở Đà Lạt. Sơn đã mời cô về hát thử những ca khúc mới của mình, cũng ở Đại học Văn khoa. Lần này thì ai cũng phải công nhận giọng hát Khánh Ly trầm khàn, mà hát nhạc của Sơn thì như là có chất ma túy, càng hát càng thu hút người nghe. Tôi chúc mừng Sơn đã tìm được tri kỷ rồi nhé.

GIỌT NƯỚC MẮT

Theo yêu cầu của bạn bè, anh tổng thư ký NNB ban đại diện Sinh viên đoàn Văn khoa đã ký tặng các bạn của TCS một căn nhà tiền chế bỏ hoang trong khuôn viên trường ở góc đường Lê Thánh Tôn - Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi nghĩa) để làm Hội Họa sĩ Trẻ. Ở đó các họa sĩ như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyên Khai... và họa sĩ bạn đến sinh hoạt thường xuyên. Và Sơn có thêm một chỗ an trú trong những ngày trốn lính ở Sài Gòn, nếu cái gác xếp nhà xuất bản An Tiêm bị lộ. Trong tình trạng này, Sơn luôn di chuyển khi thì ở nhà bạn bè, như TVN, cứ mỗi chỗ vài hôm cho khỏi bị theo dõi. Và chỗ nào bị chú ý thì Sơn phải biến ngay.

Dạo ấy, tôi thường liên lạc với thầy Nhất Hạnh và các thầy ở nhà xuất bản Lá Bối rồi An tiêm để mang phổ biến những tác phẩm hòa bình, đạo pháp và dân tộc của thầy Nhất Hạnh: Tình người (Tâm Quán, bút hiệu đầu tiên của Thầy), Nói với tuổi 20, Phật giáo hiện đại hoá, Hoa sen trong biển lửa... Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện.

Đây là quyển thơ mang nội dung hòa bình bất bạo động của thầy Nhất Hạnh mà một hôm tôi mang vào bán cho sinh viên Văn khoa. Vừa vào lớp xin phép thầy CL (ở Pháp về), mới nhìn thấy tựa cuốn thơ là thầy đã la lên:” Ồ! Hòa bình hả? Hòa bình là có lợi cho Việt Cộng, không thể phổ biến ở đây được”. Thầy đuổi tôi ra khỏi lớp, cả bọn sinh viên phân ban Pháp như một lũ con Tây xua tay: ”Sortez, sortez!...” (đi ra, cút đi). Tôi ôm chồng thơ, chào thầy rồi chạy vội ra khỏi lớp với tràng cười cợt đuổi xua theo sau lưng. Có một giọng tiếng Việt còn ngọng nghịu: ”Ra ngoài Bắc mà kêu hòa bình đi!” Tôi nghẹn ngào, xấu hổ, nước mắt bỗng tuôn rơi vì đời tôi từ nhỏ tới giờ chưa bị ai xua đuổi nhục nhã như vậy. Đi ngang phòng thầy khoa trưởng Nguyễn Đăng Thục, thấy cửa mở, thầy ngoắc tôi vào:” Đi đâu, mang sách gì mà khệ nệ thế này?” Tôi vào, đóng vội cửa lại và kể hết cho thầy nghe. “Con xin lỗi thầy là đã không xin phép thầy trước”. Thầy Thục cầm một quyển thơ lên xem và khuyên tôi: ”Thôi cô mang về giả lại thầy Nhất Hạnh đi! Thưa với thầy là ở đây khó khăn lắm. Tôi ngồi đây cũng không yên thân nữa là. Vì cái vụ danh sách Hòa bình Tự quyết của các ông giáo sư TTDK đấy. Ối dào, mấy cái anh Tây con này mà biết gì tới hòa bình, đạo pháp và dân tộc kia chứ! Rõ khổ!”

Tôi mang chồng thơ về Đại học Vạn Hạnh (lúc đó còn ở chùa Pháp Hội) gặp thầy Nhất Hạnh, kể hết sự tình ở Văn khoa: ”...Họ bảo sách thầy có lợi cho Việt Cộng, thầy Thục cũng không can thiệp được...” Thầy Nhất Hạnh buồn bã khuyên tôi: ”Thầy khoa trưởng nói đúng đó, họ không còn là người Việt Nam nữa rồi, không hiểu gì hết hay không cần hiểu nữa. Họ đã vong thân chính trên quê hương của mình rồi! Thôi cô đem về An Tiêm giao lại cho thầy Thanh Tuệ, đừng buồn nữa!”

Tôi lại mang chồng thơ hòa bình về An Tiêm trong con hẻm đường Lý thái Tổ. Thầy Tuệ ngạc nhiên: ” Ủa, sao lại mang trở về?” Tôi lại kể lể bị xua đuổi ở Văn khoa. Vừa tức, vừa tủi thân, vừa thấm mệt, tôi bật khóc: ” Cuốn thơ dễ thương như vậy mà họ bảo là thân Cộng đó...Thầy”. Trên khung cửa nhỏ của cầu thang. TCS ló mặt xuống hỏi: ” Gì vậy?”, rồi ngoắc tôi lên. Thầy Tuệ bảo chị lên uống trà với anh Sơn cho ấm, hết mưa rồi về. Tôi leo lên thang gác gỗ nhỏ xíu. Cái gác xép vừa đủ cho một bộ xa lông nhỏ cũ kỹ và một tấm màn xanh đen lớn che chắn nửa phòng. Bên trong là giang sơn của các vị văn nghệ sĩ lang thang và trốn lính: Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Bửu Ý, Nguyễn Đức Sơn... thường xuyên ghé một hai ngày rồi đi. Nhà xuất bản An Tiêm của thầy như một bến sông nhỏ của những con thuyền độc mộc tài hoa một thời, cứ tấp vào rồi lại ra đi. Tôi ngồi uống trà nhìn ra cửa sổ, mưa rỉ rả buồn chi lạ. Sơn đã nghe hết chuyện, lên giọng kẻ cả la tôi:” Có chi mà khóc như con nít rứa?” Tôi ức quá kêu kên: ” Chớ tụi nó cũng là sinh viên mà đuổi mình như cùi hủi, không tức hả? Ngày mai tụi nó sẽ kháo ầm lên, cái con bé mặc áo tím đấy nay bày đặt đi bán sách hòa bình thân Cộng bị thầy đuổi. Làm sao mà còn ngồi học được!”...

Sơn buồn buồn nhìn ra cửa sổ bảo tôi: ”Bạn nhìn ra terrasse (sân thượng) xem, thấy gì không?” Tôi nói không thấy gì, mưa vừa tạnh. Sơn bảo, nhìn kỷ đi. Tôi đang tức mà hỏi chuyện vô duyên nên gắt lại: ”Nhìn kỷ rồi, chỉ có một sợi giây thép phơi áo quần mà mưa nên thầy không phơi. Hết.” Sơn cười chọc quê làm tôi tức thêm: ”Rứa mà cũng học Triết, uổng quá!” Rồi Sơn chỉ tay qua lại như người lên đồng và bảo: ”Bạn thấy không? Những giọt mưa đang chạy qua lại trên sợi dây kẻm ngoài kia, hễ gió thổi qua thì nó chạy qua, gió thổi lại thì nó chạy lại, chúng nó dìu dắt nhau đi tìm sự ‘an trú’ mà không có...Rồi gió thổi mạnh thì chúng run rẩy... và rơi xuống đất, tịch lặng...Tội nghiệp chưa? Mấy giọt mưa kia còn khổ hơn mình nhiều. Tui với bạn ngồi đây được ‘an trú’ dưới mái tôn che chở của An Tiêm, dù nhỏ bé và nghèo cũng còn hạnh phúc hơn những giọt mưa ngoài kia... Đừng có ‘con nít’ nữa. Quan tâm làm gì những lời lẽ vong thân mất gốc. Phải bỏ ngoài tai mới sống nỗi. Bạn mà cứ còn suy nghĩ kiểu ‘công nương’ đó thì còn buồn khổ dài dài. Nhìn những giọt mưa kia có giống những giọt nước mắt quê hương mình không? Mình ở trong thành phố, cực mấy cũng còn sướng chán. Dân ở nông thôn mới khổ dễ sợ. Đạn bom cày xới mỗi ngày, bạn bè đi lính thì cứ nghe tin ngả xuống liên tục. Thật là đau đớn, nhức nhối!...”

Trên đường về tôi suy nghĩ mãi về những liên tưởng, những cộng hưởng lương tri của TCS. Từ những giọt mưa đi tìm an trú trên giây kẻm đến những giọt nước mắt quê hương mình trong chiến tranh thì thật lạ và cũng thật tuyệt diệu. Sơn đã đưa triết học vào âm nhạc rồi đó. Có phải từ những liên tưởng này mà Sơn đã viết bài Giọt nước mắt quê hương chăng? Hôm sau tôi vào trường thì bị ngay một dàn chào hí hố:”Bồ câu xuất hiện rồi kìa... Ôi giời! Sao bồ câu không bay ra Bắc mà kêu gọi hòa bình nhĩ? vv,,, và vv... Nhớ lời Sơn, tôi cứ mặc kệ phớt tĩnh vào học. Và thỉnh thoảng vẫn lên Đại học Vạn Hạnh giúp thầy sửa chửa bản thảo sách báo hòa bình và qua An Tiêm gặp lại Sơn và các bạn bè nghệ sĩ lang thang. Họ bàn luận và bức xúc về chiến tranh cùng những hậu quả của nó, và nhất là sự có mặt nghênh ngang của lính Mỹ trên đường phố Sài Gòn...đến không chịu nỗi nữa. TCS luôn đốt thuốc lá ngồi nghe, trầm tư và tích lũy bao ý tưởng bạn bè. Sau này, nhìn thấy trong những ca khúc TCS, thỉnh thoảng có bóng dáng bạn bè, như “Còn hai con mắt, một con khóc người...” thì rõ là cái kiểu Bùi giáng rồi.

THỂ NGHIỆM CA KHÚC DA VÀNG

Quán Văn 1966-67

TCS 1967

Sau vụ Phật giáo bị đàn áp năm 1966, tình hình chiến sự ngày càng tăng nhanh. Báo chí đưa tin người chết hai bên quá nhiều. Khoảng năm 1967, nhóm sinh viên Phật tử vận động hòa bình chúng tôi bàn với TCS nên viết nhạc phản chiến, kêu gọi ngưng tiếng súng để nói chuyện giữa người Việt với nhau. Sơn nói muốn viết phải về Huế vì ở đó là địa đầu của những trận chiến đẫm máu nhất. Nhưng sau một tuần Sơn viết cho tôi một lá thư bảo là ngày nào cũng úp mặt lên đàn mà ý nhạc vẫn chưa tới. Rồi sau đó nghe bạn bè ngả xuống. Huế đúng là địa đầu của tải thương và nhận xác. Không lâu sau, Sơn đem tập bản thảo “Ca khúc da vàng” vào Sài Gòn hát thử cho bạn bè nghe ở nhà anh TVN. Ai cũng thấm thía đến sửng sờ, nhất là các bài Người con gái Việt Nam da vàng, Tình ca người mất trí, Gia tài của mẹ...

Chị bác sĩ Đổ Thị Văn và tôi đem về thể nghiệm ở trụ sở Sinh viên Phật tử trong cư xá Thích Quảng Đức 294 Công lý (nay là Nam Kỳ Khởi nghĩa). Nhưng khi chúng tôi trương tấm biểu ngữ “Trịnh Công Sơn và Ca khúc Da vàng” lên trước cổng thì ai cũng ngại. Chị Văn thì thấp, tôi thì cao nên cái biểu ngữ cứ xéo xẹo hoài. Sơn vừa đến, hỏi:”Chứ con trai đâu hết mà để cho con gái leo lên thang vậy?” Tôi cười: ”Con trai mà ló ra đây để cho cảnh sát hốt vô trại lính à!” Sơn kêu: ”Chị Văn nhích lên tí cho bằng bên kia”. Chị cười ngặt nghẽo: ”Ta ráng hết sức rồi, ráng nữa té sao?” Sơn quăng điếu thuốc, bảo: ”Chị xuống đi, để tôi”, rồi leo lên cùng tôi căng thẳng biểu ngữ không nghiên lệch nữa.

Khi giới thiệu Sơn hát, anh đoàn trưởng nói: ”Chính tác giả đã cùng bạn bè leo lên thang treo biểu ngữ đó”. Khán giả vổ tay nồng nhiệt. Sơn ôm đàn hát Người già em bé, Giọt nước mắt quê hương, Ca dao mẹ, Vết lăn trầm... Khi đến loạt Ca khúc da vàng thì khán giả đứng lên vổ tay vang dội cả hội trường. Một số bạn phải chạy ra cổng canh chừng xe cảnh sát. Sau đợt thể nghiệm đó, TCS rất thành công, bạn bè đưa Sơn về hát ở Đại học Văn khoa.

“NỘI CHIẾN”

Một hôm, có một chị bạn của tôi và cũng là bạn TCS đã đến nhà tôi phê bình: ”Sao TCS viết nhạc như vậy mà chị cho là tiến bộ? Bài Gia tài của mẹ có câu ‘Hai mươi năm nội chiến từng ngày’. Chữ ‘nội chiến’ không đúng với chiến tranh Việt Nam. Đây là cuộc chiến chống Mỹ xâm lăng giành độc lập thống nhất chứ không phải nội chiến như Trịnh - Nguyễn ngày xưa”. Tôi nói nhưng rõ ràng là người Việt Nam hai miền Nam-Bắc đang cầm súng giết nhau kia mà. Chị bảo thì do Mỹ đổ quân lên miền Nam và chỉ đạo từ A đến Z. Rồi chị hạ nhỏ giọng như mệnh lệnh: ”Các anh ở trong không bằng lòng hai chữ ‘nội chiến’, chị nói Sơn sửa lại đi!”. Nói xong chị đi ngay.

Tôi nghe mà sợ quá vội chạy lên An Tiêm tìm gặp Sơn, cầm theo cả tâp Ca khúc da vàng Sơn vừa đưa tôi hôm 18/7/1967 có kèm chữ ký tặng. Tôi kể cho Sơn nghe và đề nghị sửa hai chữ ‘nội chiến’ cho rồi, chứ tôi ngán mấy chữ: “các anh ở trong không bằng lòng” quá! Sơn suy nghĩ một hồi rồi nói có vẻ bực mình: ”Mệt quá, nhạc viết ra rồi còn bắt sửa đi sửa lại...” Và Sơn thở dài: ”Thôi tùy bạn, muốn sửa gì cứ sửa!” Tôi đặt bút xuống gạch ngang chữ ‘nội chiến’ trong tập nhạc của tôi, viết lên trên đó chữ ‘giặc giã’. Rồi gạch bỏ luôn chữ đó, vì thấy: ”Dỡ quá phải không Sơn?. Hay là ‘chinh chiến’ vậy? ‘Chinh chiến’ nghe hơi nhẹ hơn tí, nhưng thôi, cũng được nghen Sơn?” Sơn ậm ừ: ”Tùy bạn... thôi cũng được!”

Tập nhạc tôi còn lưu giữ đến nay với mấy dấu gạch sửa đầy kỹ niệm đó. Cho dù Sơn đã đồng ý sửa lại bằng chữ ‘chinh chiến’, mà khi hát người ta vẫn cứ hát ‘nội chiến’, thế mới khổ. Khi tôi báo cho Sơn biết việc đó, Sơn cười: ”Bạn thấy chưa? Đó là quyền của người hát, làm sao mình cản nỗi!”

Giọng hát Khánh Ly đi vào Ca khúc da vàng của TCS như một “duyên kỳ ngộ” của CaNhạc. Từ đó dân Sài Gòn chỉ nghe TCS qua giọng hát Khánh Ly mà thôi. Và Sơn về an trú ở Hội họa sĩ trẻ trong một góc vườn Văn khoa. Thường khi không có giờ học, tôi băng qua đồi cỏ, xuống căn nhà Họa sĩ trẻ nghe Sơn tập cho Khánh Ly hát. Một hôm, Mai (tên thật của Khánh Ly) nhìn thấy tôi bổng kêu lên: ”Chị ơi, từ sáng giờ có mỗi chữ ‘chết’ mà em ‘chết’ mãi không được, ảnh mắng em...kìa!”. Sơn đang ngồi hút thuốc, nhìn ra cửa sổ có vẻ khó chịu. Thì ra chữ ‘chết’ trong “chết trận Đồng Xoài...” trong bài Tình ca người mất trí mà Sơn cứ bắt Khánh Ly phải láy xuống cho hơi Huế một tí. Mà cô này cứ ‘chết’ lên theo giọng Bắc hoài nên Sơn bực. Khi tôi nghe và phát hiện ra như thế, Mai à lên một tiếng. Tôi giải hòa, bảo Sơn đừng có “khó chi mà ác rứa!” Rồi kéo Mai đi lên đồi cỏ chơi một vòng cho đỡ căng hãy tập tiếp.

Khi Quán Văn mọc lên ở Văn khoa thì ban đại diện cũ của chúng tôi hết nhiệm kỳ nên tôi ít lui tới quán sinh viên đó, Chỉ nghe sinh viên xầm xì là do một nhóm sinh viên Văn khoa và bạn bè ở bên ngoài vô gầy lên. Quán đơn sơ, nằm trước phòng ban đại diện cũ, để sinh viên có chỗ uống nước, tán dóc và để cho Khánh Ly, TCS hát với sinh viên. Sân khấu là các mặt bàn kê lại với nhau và đứng hát giữa trời.

Khoảng năm 1967, Ban Văn nghệ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn do anh Trương Thìn hướng dẫn có tổ chức một đêm hát cho sinh viên học sinh nghe ở trụ sở 4 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch). Sau phần trình bày sôi nổi của Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng và các bạn sinh viên trong phong trào tranh đấu Sài Gòn, Trịnh Công Sơn bước lên với chiếc ghi ta thùng, tự hát những bản nhạc sâu lắng nói lên thân phận con người và quê hương trong chiến tranh: Giọt nước mắt quê hương, Ca dao mẹ, Vết lăn trầm... Một dòng nhạc trăn trở, tra vấn lương tri con người mà một nhà báo đã viết lên một câu để đời về sự nghiệp âm nhạc TCS: ”...Và từ đó nhạc Việt Nam không còn như cũ nữa!”.

Vậy mà hôm ấy khi Sơn vừa hát xong thì có một người lên góp ý phê bình Phạm Duy xong lại mỉa mai TCS là giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến, ở nông thôn người dân đội bom, đói khổ hàng ngày mà ở đây người ta cứ ngồi “khóc” để than thân trách phận thì vận nước này có hết điêu linh không?

Sơn ngồi bên, lặng đi một lát rồi hỏi tôi: ”Sao bạn mời tôi đến đây cho người ta chửi vậy!” Tôi cũng ngạc nhiên và trả lời Sơn là mục này không có trong chương trình. Sao lạ vậy, tôi sẽ hỏi anh Thìn. Nhưng Sơn cũng bỏ ra về. Tôi phải hẹn Sơn và Thìn cùng đến Đại học Văn khoa chiều ngày hôm sau để thông cảm nhau. Từ đó, hai người lại trở thành bạn thân thiết cho đến bây giờ.

ANH SINH VIÊN NHẬT EGOCHI

Tôi không rõ nhạc của TCS có ma lực gì mà thu hút được người Nhật đến vậy. Trước Michico đã có Egochi sinh viên cao học Nhật đến Việt Nam làm luận án tiến sĩ về sử học và xã hội học năm 1966.

Anh đến Văn khoa gặp tôi, nhờ giới thiệu với TCS vì anh rất thích bài Vết lăn trầm có câu: ” Đá lăn vết lăn buồn...” Sao đá mà cũng biết buồn? Tôi cười: ”Sao đúng ý tôi quá vậy? Tôi cũng thích nhất bài này trong số nhạc Sơn, nhưng câu đó không phải đá buồn mà vết lăn của đá nó buồn vì đá lăn đi để lại trên đất một vết xước cô đơn, trầm buồn! Mà trên đất nước Việt Nam đang chiến tranh này, Egochi thử đếm xem có bao nhiêu vết xước cô đơn như thế trên đất, trong lòng người? Cho nên TCS mới tha thiết kêu lên ‘Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau’! Egochi thấy chưa?” Anh cười, nói đùa: ”Tư tưởng lớn gặp nhau!”

Khi nghe Sơn ôm đàn nhắm mắt hát bài đó xong, Egochi ngây ngất nói: ”Hình như tôi đã gặp anh Sơn trước đây, gặp ở đâu đó trong tiền kiếp!” Rồi anh nói thao thao về thuyết luân hồi của Phật giáo. Tôi nói: ”Có lẽ hai người gặp nhau trong cùng một nỗi đau dân tộc. Egochi thì mang vết thương của hai quả bom nguyên tử không bao giờ lành trong lòng người Nhật. Còn TCS thì đang bị vết thương chiến tranh này hành hạ từng ngày. Có đúng không?” Cả ba chúng tôi đều đồng ý.

Egochi nói muốn thử ra phố chợ xin ăn, thử sống một ngày lang thang của “kiếp ăn mày” ở Việt Nam, một đất nước đang chiến tranh để hiểu hết ý nghĩa của “nỗi đau cuộc sống”.

Một tuần sau, Egochi đến nhà tôi, trông giống như một người ăn xin thật sự, áo quần xơ xác, mặt mày lem luốc bơ phờ... và đói thật. Egochi nói: ”Mệt nhưng mà thích vì cùng đói với các bạn ăn mày ở vỉa hè mà thương nhau lắm. Cùng chia xẻ nỗi đau và rất hạnh phúc!” Tôi đang chuẩn bị cho Egochi ăn, một người bạn tôi chơi ác, đi mua trứng vịt lộn về dấu, bảo nhắm mắt mới cho ăn. Mới ăn, anh nói: ”Ngon nhưng có cảm giác đang ăn một sinh vật!” Các bạn cười ầm lên, đưa ra con vịt con trong trứng lộn. Egochi òa lên khóc nức nở: ”Sao các bạn ác quá vậy! Tôi đã sát sanh rồi!”

Sau đó tôi bị bắt ba tháng vì vụ tranh đấu Phật giáo miền Trung. Egochi đến trước cổng nhà giam khóc và xin bảo lãnh tôi về, nhưng ai mà cho. Ra tù nghe tin anh bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhận được thư anh nói mình đang đi châu Phi để cùng sống và nghiên cứu về vùng đất còn lạc hậu nhất thế giới... Tôi kể hết chuyện cho Sơn nghe, Sơn bảo: ”Tay ni lạ thật, thánh thiện quá rồi cũng khó sống!” Tôi chỉ tiếc là chưa giới thiệu Egochi nghiên cứu về nhạc hòa bình của TCS. Nhưng sau này có cô Yochoii Michiko đã đến Việt Nam gặp Sơn và làm luận văn cao học về dòng nhạc phản chiến TCS tại đại học Paris vào năm 1985, được công bố rộng rãi, nổi tiếng khắp thế giới.

HÃY SỐNG DÙM TÔI !

Tôi không thể nào quên được buổi sáng hôm ấy, vào 7.30g ngày 16/5/1967, bạn Phan Đạm Hiệp đạp xe đến gọi tôi thảng thốt: ”Chị Hoa ơi! Chị Mai tự thiêu trên chùa Từ Nghiêm rồi. Chị lên mau đi”. Tôi đạp xe vội lên Từ Nghiêm, vừa đi vừa khóc. Chị Nhất Chi Mai học Sử ở Văn khoa, tôi học Triết, và chị rất thương tôi, coi tôi như một người em tâm đắc, thường gọi đi làm công tác xã hội cùng chị vào các xóm nghèo vùng ngoại ô Sài Gòn. Một người chị nhu mì, hiền lành, một nữ tu Dòng Tiếp hiện mà thầy Nhất Hạnh rất quý nễ trong công tác với tâm bồ đề chân thành. Làm sao hiểu nỗi chị đã chuẩn bị cho cái hạnh Bồ tát này, từ khi đọc báo nghe tin Morrison một giáo sư đại học Mỹ tự thiêu cho hòa bình Việt Nam vào cuối năm 1965. Chị Mai đã khóc và kể lại cho tôi, Morrison bế đứa con gái thân yêu nhất đời Emily một tuổi ra trước tòa nhà Ngũ Giác Đài bộ quốc phòng Mỹ tự thiêu để thức tỉnh lương tri con người, mong chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Emily đứng nhìn ngọn lửa thiêu sống cha mình kêu khóc: ”Cha ơi!”

Chị đã vô cùng xúc động và kính phục Morrison, rồi âm thầm tự nguyện đem thân làm đuốc để đáp lại tấm lòng Bồ tát bên kia bờ đại dương trên xứ sở đang gây chiến ở Việt Nam...

Tôi lên đến nơi thì ngọn lửa vừa tắt, Nhất Chi Mai của tôi ngồi xếp bằng như một pho tượng đồng đen bất động, mùi thịt da khét lẹt bốc khói. Tôi đặt tay lên đùi chị, phải rụt lại ngay, suýt bỏng tay mình. Tôi gục xuống nức nở đau đớn: ”Mai ơi! Sao phải như thế này? Không còn cách nào khác sao, hỡ Mai?” Nhìn hai pho tượng nhỏ Đức Mẹ Maria và Quan Âm Bồ tát đặt ngay ngắn trước mặt chị với 10 bức thư cho gia đình và cho những người có thẩm quyền gây chiến ở Việt Nam.

Trong đó có bài thơ "Chắp tay tôi quỳ xuống" :

    Chắp tay tôi quỳ xuống
    Sao người Mỹ tự thiêu
    Sao thế giới biểu tình
    Sao Việt Nam im tiếng
    Không dám nói hòa bình

    Tôi thấy mình hèn yếu
    Tôi nghe lòng đắng cay
    Sống mình không thể nói
    Chết mới được ra lời
    Hòa bình là có tội
    Hòa bình là cộng sản
    Tôi vì lòng nhân bản
    Mà muốn nói hòa bình
    Chắp tay tôi quỳ xuống
    Chịu đau đớn thân này
    Mong thoát lời thống thiết
    Dừng tay lại người ơi!
    Dừng tay lại người ơi!
    Hai mươi năm nay rồi
    Nhiều máu xương đã đổ
    Đừng diệt chủng dân tôi!
    Chắp tay tôi quỳ xuống.
    (Nhất Chi Mai, tự Nhất Chi, Kính cáo)

Tôi chép vội bài thơ và không dám ở lại với chị lâu hơn, cũng không thể tiễn đưa chị được vì chùa sợ cảnh sát tới gây khó dễ. Cô em nữ sinh Phật tử H. đã vừa khóc vừa kể hết nỗi niềm của chị Mai cho tôi nghe, bởi em đã gần gũi chị suốt những ngày cuối.

Tôi không về nhà mà đạp xe qua An Tiêm, gặp TCS ở đó kể hết sự tình cho Sơn nghe và tôi khóc nhiều vì thương chị Mai quá chừng. Sơn hốt hoảng rơi người xuống ghế, sửng sốt chết lặng một lúc rồi kêu lên: ”Trời ơi, con gái mà cũng tự thiêu à? Dễ sợ ghê quá, sao không ai can ngăn dùm?”

“Can ngăn gì nỗi Sơn ơi, chị ấy đã âm thầm chuẩn bị rất kỷ ngay từ khi nghe tin Morrison tự thiêu bên Mỹ kìa”. Tôi vừa khóc vừa đọc bài thơ Chắp tay tôi quỳ xuống của chị Mai cho Sơn nghe: ”Sơn thấy không, cái tâm Bồ đề của chị thanh cao vời vợi như vậy thì làm sao mà can ngăn cho được. Chị thành Bồ tát rồi Sơn ơi!”

Sơn ngồi bất động, vẫn chưa hoàn hồn, trầm ngâm buồn bả, ứa nước mắt: ” Ừ, đúng rồi chỉ có cái tâm Bồ tát mới làm được một hạnh nguyện lớn lao như vậy!”

Vài ngày sau, Sơn nhắn tôi lên An Tiêm và ôm đàn hát miên man ca khúc vừa mới viết: ”Hãy sống dùm tôi, Hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi...” Sơn hát xong, tôi kêu lên: ”Tuyệt quá Sơn ơi”. Sơn nói: ”Hôm đó bạn về rồi, suốt ngày mình không làm gì được, suốt đêm cũng không ngủ được, cứ trằn trọc mãi với câu thơ của chị Mai ‘Sống mình không thể nói, Chết mới được ra lời!’ Tại sao vậy? Mình đã tự hỏi bao lần như vậy. Tối qua vùng dậy viết... Cuối cùng đã trả lời được cho chị Mai, cho bạn và cho chính mình bằng mấy nốt nhạc này đây. Được chưa?” Sơn đưa tôi bản nhạc chép tay vừa ráo mực. Tôi mừng quá đến chảy nước mắt: ”Được quá sơn ơi, bây giờ làm sao in ra cho sinh viên đây?” Sơn bảo: ”Khoan đã, để từ từ mình sẽ in chung trong tập Ca khúc da vàng với bài Ru con (nay đổi là Ngủ đi con).

Bạn bè sợ 2 bài này ý mạnh quá, kẹt cho Sơn nên chỉ chuyền tay nhau trong sinh viên thôi. Sau đó, Sơn âm thầm mang đi Nhật Bản và được một hãng đĩa Nhật vinh danh là tiếng kêu hòa bình thống thiết nhất từ Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng phổ biến khắp thế giới cùng tên tuổi của TCS và Khánh Ly. Từ đó đến nay giọng ca Khánh Ly đã đưa Ca khúc da vàng của TCS vào tận tim óc con người, nó lột trần được nguyên hình cái Ác của người với người trong chiến tranh. Giọng ca Khánh Ly đầy ma lực, đến nỗi khi hát cứ như nhập thần. Cho nên Ca khúc da vàng bị cấm hát trên quê hương mình như thân phận nhức nhối, đắng cay của nó...

SÚNG NỔ TRONG ĐÊM NHẠC TCS

Vào một đêm đầu năm 1968, sinh viên Văn khoa tổ chức một buổi nhạc TCS-Khánh Ly hát tại trường Văn khoa mới trên đường Cường để. Lúc đó, tôi bận thi tốt nghiệp nhưng cũng ráng đến nghe. Sinh viên học sinh đông nghẹt giảng đường chính. Đến trễ, nên tôi được ngồi hàng ghế đầu, bên phải sân khấu là bục giảng. TCS và Khánh Ly ngồi gần ban nhạc bên cánh trái.

Chương trình sắp bắt đầu thì có hai anh chị lên micro, cô gái mặc áo dài hoa cà, chấm trắng, anh kia đứng ngay phía sau. Cô gái cất giọng miền Nam rõ ràng: ”Kính thưa quý vị và các bạn. Hôm nay là ngày 20 tháng 12, kỹ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam...” Khán giả sinh viên la ó lên: ”Cái gì vậy? giởn hay thiệt?...” Giáo sư Nguyễn Văn Trung ngồi cạnh tôi hỏi:” Ủa, tụi nó làm cái kịch gì vậy, Hoa? Sao bảo là Khánh Ly hát TCS mà?” Tôi cũng ngạc nhiên: ”Thưa thầy, con cũng không biết nữa vì hôm nay con không ở trong ban tổ chức”. Rầm! Một cái ghế quăng lên phía micro và tiếng sinh viên la ó: ”Vi xi! Vi xi cướp micro rồi!” Người trưởng ban tổ chức chạy vội lên để lấy lại micro thì nghe ‘đùng’ một tiếng nổ, anh ta quỵ xuống, sinh viên bắt đầu hổn loạn. Thầy Trung và tôi cũng chạy vội ra cửa. Ra đến hành lang, tôi kịp nhìn thấy thanh niên áo sơ mi trắng đứng sau cô gái vừa nói ở micro, lôi cô ta chạy vôi xuống bậc tam cấp và hai người biến vào đám đông. Tôi bị kẹt lại ở hành lang đông nghẹt người mà lan can cao quá không dám nhảy xuống. Một sinh viên Pháp xốc cánh tôi thảy qua lan can rơi bịch xuống đất, may mà không gảy chân. Anh ta cũng nhảy theo sau, tôi chỉ kịp nói vội “Merci” (cám ơn) rồi chạy ra lấy xe Honda phóng về An Tiêm mà Sơn và Khánh Ly vẫn chưa về, nhưng có báo tin về là không sao.

Hôm sau tôi lên gặp Sơn, cho biết người tổ chức chính là NVT bị bắn vào bụng, đang nằm bệnh viện. Anh ta không phải sinh viên Văn khoa, chỉ là bạn bè đến chơi, cùng sinh viên tổ chức Quán Văn ở trường cũ để Khánh Ly và TCS hát. Từ đó không ai còn dám tổ chức hát TCS ở các đại học nữa.

Sơn đang trốn lính nên cũng phải dời đổi chỗ ở liên tục, rồi bay ra Huế mai danh ẩn tích một thời gian. Lúc này tôi ít gặp Sơn vì tốt nghiệp xong cử nhân còn bận làm cao học. Chỉ nghe Sơn vào lại Sài Gòn thường ngồi ở phòng trà, bắt đầu uống rượu. Tôi trách Sơn sao lại cùng Khánh Ly ra phòng trà hát uổng quá, nhạc của Sơn không phải hát ở chỗ này. Trong khi trước đó Sơn đã trách Khánh Ly “Em theo đời cơm áo...”

Bùi Giáng phản đối tôi: ”Phải để hắn ra ngồi đó mới thấy hết cảnh ‘ta bà thế giới’ này, nhìn thấy hết mọi thứ người từ ‘thượng vàng tới hạ cám’, thì nhạc hắn mới sâu, mới thấm thía, chứ cứ đóng khung trong ‘cửa Khổng sân Trình’ thì chỉ có một giới nào đó nghe thôi sao. Hắn cũng phải ‘nghe’ thiên hạ nữa chứ...” Ban đầu, tôi nghĩ là Bùi Giáng điên rồi, nhưng sau đó nghe hàng loạt ca khúc mang tính triết học, từ Cát bụi, Một cõi đi về trước đó đến Đoá hoa vô thường... sau này, thì mới rõ là Bùi Giáng không điên tí nào.

Sau Tết Mậu thân Sơn ở Huế vào, đem theo nhiều ca khúc dữ dội hơn. Vào đầu những năm ’70, Sơn thường ra Huế hoạt động với Bửu Chỉ và nhóm sinh viên tranh đấu Huế, nhất là sau cái chết của Ngô Kha, người mà Sơn giới thiệu với tôi ở Hội họa sĩ trẻ, một nhà thơ nhiệt tình và tài năng. Vào giai đoạn đó, Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của Ngô Kha nên chuyển hẳn sang nhạc tranh đấu đòi độc lập thống nhất với những tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời... với những bài Không mất niềm tin, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Nối vòng tay lớn...

NHÓM SÁNG TÁC MỚI

Đến năm 1975 thì bạn bè nghe TCS hát Nối vòng tay lớn, bài hát đầu tiên phát đi trên đài phát thanh Sài Gòn vào ngày giải phóng 30/4/75, cùng anh em sinh viên và anh Nguyễn Hữu Thái chồng tôi, bố của Thái Hòa, anh là bạn học với Sơn thời trung học trường Providence (Thiên Hựu) ở Huế.

Thời gian trước đó, tôi ít khi liên lạc với Sơn vì đã có gia đình và 2 con nay được 5-6 tuổi, vẫn thường ru con bằng những bài Ca dao mẹ, Gia tài của mẹ.... Nghe nói sau giải phóng Sơn về Huế một thời gian gặp khó khăn nên trở lại Sài Gòn khoảng năm 1979.

Tôi sinh hoạt ở Hội Trí thức Yêu nước, đa số là trí thức Sài Gòn cũ, nhiều người đi học tập cải tạo về. Thành phố đang nổi lên phong trào ‘Ca khúc chính trị’, Hội trí thức cũng tổ chức một đêm văn nghệ với các ca khúc mới. TCS có tham dự và nhờ Miên Đức Thắng hát 2 bài mình mới sáng tác ở Huế: Gánh rau ra chợ, Máy kéo nông trường.

TCS-1978

TCS 1978

Sau đêm diễn, nhóm văn nghệ sĩ và thân hữu ngồi lại giải lao, bàn bạc về tình hình văn nghệ sau 5 năm giải phóng. Nhận thấy khán thính giả, nhất là giới trẻ đã ngán ngẩm loại nhạc chiến đấu. Dù là chiến thắng anh dũng, nhưng hát hoài rồi cũng ngán, giờ muốn nghe những làn điệu tình cảm quê hương dân tộc nhẹ nhàng hơn trong xây dựng hòa bình. Đã có tình trạng nghe lén nhạc vàng trước kia ở nông thôn, vùng ngoại ô hay đây đó trong Thành phố. Thanh niên cũng bắt đầu ngán những bài ‘Đoàn ca’ rồi, họ đòi hỏi cái mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm đáp ứng.

Tôi góp ý riêng với Sơn về hai bài vừa rồi: ”Nói thiệt Sơn đừng buồn nghen, mới nghe thấy lạ, tuy cũng hay nhưng không bằng mấy sáng tác cũ của Sơn đâu! Hãy để những chủ đề xây dựng lao động sản xuất và xã hội chủ nghĩa cho người khác viết, vì họ có kinh nghiệm về các vấn đề này lâu hơn Sơn...Bạn cứ viết tình ca đi”. Sơn cười gằn:”Thời buổi ni mà bạn biểu tui viết tình ca à?” Tôi bàn: “Đâu phải hễ nói tới tình ca là chỉ có tình yêu trai gái thôi sao? Thiếu gì ‘tình’ mà xã hội, lớp trẻ hôm nay đang cần, đang đói. Tình yêu quê hương, đất nước đang hồi sinh sau chiến tranh, tình cỏ cây, hoa lá, núi rừng, biển sông, tình bạn, tình người... ‘Người với người’, sống sao cho tử tế. Chính vào thời buổi này, tâm lý con người, nhất là lớp trẻ trong một xã hội đang thay da đổi thịt rất cần ‘tình người’, cần đem hoa để làm đẹp cho đời. Cần lắm chứ, Sơn thấy không?” Sơn trầm ngâm một hồi rồi cười cười: ”Chà, bạn cho tôi cái ‘thème’ (đề tài) này khó đấy” - ”Khó mà làm được mới là TCS chứ! Thôi về suy nghĩ tiếp đi, đừng có lười!”

Vài tuần sau tôi được mời đến dự một buổi nghe thử trong nội bộ một số ‘sáng tác mới’ của các nhạc sĩ thân hữu. Anh tổng thư ký Hội trí thức Huỳnh Kim Báu nhờ tôi mời cả TCS nữa. Hôm ấy có người ở Mặt trận Tổ quốc Thành phố sang tham dự. Bác sĩ Trương Thìn giới thiệu các nhạc sĩ lần lượt tự trình bày sáng tác mới của mình: Hoàng Hiệp với Sao anh không kể; Phạm Trọng Cầu: Quê hương, phổ thơ Giang Nam, và Từng giọt yêu thương; Trần Long Ẩn: Những cơn mưa đầu mùa; Miên Đức Thắng cũng phổ nhạc bài thơ Quê hương và Một sớm con về; Trương Thìn: Một ngày của tôi và Tôi còn nợ, phổ thơ bác sĩ Đổ Hồng Ngọc. Rồi Trịnh Công Sơn với Như một hòn bi xanh, Ở trọ, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui... Sơn vừa hát xong, mọi người vổ tay tán thưởng tất cả các nhạc sĩ.

Bỗng ông bạn bên Mặt trận đứng lên phê bình bài Như một hòn bi xanh không có ‘lập trường’, kêu gọi con người thương yêu chung chung, không phân biệt bạn-thù: nếu trái đất bé nhỏ như hòn bi thì giữa người với người không còn biên giới, đứng ở đâu cũng là quê hương mình. Vậy nếu anh qua Mỹ, anh cũng nhận Mỹ là quê hương anh sao?... Sơn quay qua hỏi tôi: ”Cũng bạn nữa! Sao bạn mời tôi tới đây cho người ta chửi tui vậy?” Tôi chưa kịp hiểu sao thì Sơn đã đứng dậy: ”Thưa quý vị, Tôi nghĩ rằng chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Tôi muốn nói tới hòa bình cho nhân loại, giữa người với người trên hành tinh này và tấm lòng nhân bản, độ lượng của người Việt Nam. Không ngờ hôm nay lại được đến đây để học bài ‘morale élémentaire’ (đạo đức sơ đẳng) này! Tôi xin phép được về”. Anh Phạm Trọng Cầu đứng lên: ”Sơn bình tĩnh, đợi tao tí về luôn với mầy. Còn anh kia, có biết là thính giả bây giờ đã ngán những ‘bài ca chính trị’ thô thiển lắm rồi không? Các anh về viết xã luận chính trị rồi phổ nhạc rồi hát với nhau đi. Đừng kêu tụi tui nữa. Về mầy Sơn”. Sơn và anh Cầu dợm đứng lên thì anh Báu vội ngăn lại: ”Xin hai anh bình tĩnh, ngồi lại cho tôi nói tí đã. Tôi Huỳnh Kim Báu, đảng viên, là Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước xin chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc này. Anh bạn bên Mặt trận đừng lo. Xin tất cả các anh chị yên tâm tiếp tục...” Nhưng mọi người mất hứng đứng dậy ra về.

Khi tôi dắt xe ra cổng Hội thì bị hai ông bên Mặt trận chận lại hỏi: ”Chị có bảo đảm TCS không vượt biên không mà dám lăng xê anh ta lên vậy?” Tôi cười hỏi lại: ”Các anh đi rao giảng học thuyết Mác-Lê mà nói chuyện sao ‘phi Mác xít’ quá vậy? Mác nói: ‘Con người thay đổi theo sự bảo hòa của xã hội xung quanh’, đúng không? Thì tôi làm sao bảo đảm TCS không đi được? Ngay cả tôi, tôi còn không bảo đảm được tôi ngày mai sẽ ra sao. Và cả các anh nữa, bây giờ các anh nói vậy, chứ ngày mai tôi cũng không dám bảo đảm các anh có đi hay không. Vì Hoàng Văn Hoan ở Bộ chính trị còn vượt biên qua Trung Quốc; Trương Như Tảng, bộ trưởng tư pháp còn đi nữa là, thì làm sao tôi dám bảo đảm ai được?” Tôi nhận được ở họ những tia nhìn không vui vẻ tí nào. Tôi mặc kệ, bỏ về.

THÂN PHẬN NÀNG KIỀU TCS

Nhóm sáng tác mới vẫn cứ tiếp tục đến hát chơi với nhau ở Hội, chưa biểu diễn chính thức, theo yêu cầu của anh tổng thư ký đợi xin phép Thành ủy. TCS cũng đến hát với bạn bè, có nhờ các ca sĩ như HM, SC, TL đến hát thử. Sơn lắng nghe và hỏi riêng tôi thấy sao. Tôi cũng ậm ừ: ”Giọng HM, SC quá ‘trong và trẻ’. Hãy trả SC về cho sinh viên trường Luật, và trả TL về với mấy bài hát Tây nhí nhảnh. Các giọng ca trẻ này hát khá hay, dễ thương nhưng sợ khó hợp với nhạc của Sơn”. Sơn gật gù: ”Cái tai bạn ni khó quá!” Tôi cười: ”Ai biểu hỏi, thì người ta phải nói thiệt. Làm sao biểu ta nói láo cho được!”

Một đêm khác, chúng tôi trình diễn thể nghiệm cho một nhóm bạn trí thức Việt kiều về tham dự, không đông lắm nhưng cũng khá thành công, vì đa số họ đều là sinh viên học sinh Sài Gòn cũ, đã từng mê Ca khúc da vàng và tình ca của TCS trước kia. Hôm đó, tôi làm MC (người dẫn chương trình) giới thiệu TCS như một nàng Kiều vì sau 15 năm, kể từ năm 1965, nhạc TCS đã bị chế độ cũ cấm phổ biến do nội dung phản chiến, ru ngủ quân đội, nhất là loạt Ca khúc da vàng. Sinh viên học sinh phải chuyền tay nhau và trình diễn nội bộ ở các đại học. Cho đến bây giờ, từ 1975-80, một số nhạc của Sơn vẫn còn bị cấm... Sơn lao đao vào những năm đầu sau giải phóng, giống như nàng Kiều 15 năm ấy phong trần đa đoan. Từ đây, hy vọng TCS sẽ được thoải mái trãi lòng trên chiếc ghi ta thùng cũ kỹ thân thương của anh để ‘rút ruột tằm ra mà nhả tơ’ cho đời thưởng thức, mà ru dỗ những nỗi đau trần thế. Đêm ấy, mấy bạn Việt kiều ùa lên ôm Sơn rơm rớm mừng Sơn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đứng vững bằng chính đôi chân mình trên quê hương thân yêu mà Sơn không thể bỏ đi đâu được.

TCS hôm đó rất vui, trước khi ra về còn ‘lườm’ tôi một cái đích đáng: ”Sao lại ví người ta với nàng Kiều?” Tôi gặng lại: ”Chứ còn gì nữa? Thì chính ông đã nói trong văn học Việt Nam không có chân ai đẹp như chân Thúy Kiều. Đúng không? Sướng rồi còn làm bộ hỏi! Đêm nay thành công quá rồi, đừng có trách tui nữa nghen”. Anh Phạm Trọng Cầu lại nói đùa: ”Còn cái thằng Ẩn này nữa. Sao lại ví những ngày đầu cách mạng như những cơn ‘mưa đầu mùa’ làm ướt áo quần em...Kỳ vậy mậy?” rồi anh cười ha hả.

Ở ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Sau đó, thừa thắng xông lên, nhóm sáng tác mới đi lưu diễn tại Đại học Cần Thơ và anh Báu bảo rằng chính bí thư Tỉnh ủy ông Vũ Đình Liệu (nguyên chủ tịch UBND Tp.HCM) muốn nghe. Thế là chúng tôi lên đường do giáo sư Lý Chánh Trung làm trưởng đoàn và bác sĩ Trương Thìn làm phó, lần này có thêm nhà thơ Lê Thị Kim đọc bài thơ rất độc đáo của chị Ra khỏi quán cà phê. Anh Thìn còn bắt tôi đọc bài thơ khá nổi tiếng của Đổ Trung Quân Những bông hoa trên tuyến lửa, nhằm cân bằng với nhạc TCS trên vùng đất cách mạng đó. Tôi phải ‘chộ’ Sơn một câu cho bỏ ghét: ”Thấy chưa, vì mấy bài tình ca mới này của ông mà tui phải ‘hy sinh’ lên sân khấu làm ‘bông hoa trên tuyến lửa’ đó nghen. Còn trách tui nữa thôi? Với tại cái ‘Cơn mưa đầu mùa’ của Trần Long Ẩn nữa đó, nên tui phải đem lửa sưởi ấm ‘áo quần em’ đấy”. Ẩn cười;”Tội nghiệp chị tui quá!”

Đêm trình diễn ở Đại học Cần Thơ, phòng chứa 500 chỗ mà không đủ cho tất cả người nghe, sinh viên la ó om sòm, phải bắt màn ảnh truyền hình ra ngoài sân cho cả ngàn người xem trực tiếp. Lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Ông bí thư mời chúng tôi ăn sáng, rồi nhờ TCS và Trương Thìn hát lại những bài của họ trước 1975 cho ông nghe. Ông gật gù thích thú khen rất là nhân bản, rất con người – người Việt Nam... Rồi ông yêu cầu chúng tôi diễn thêm một đêm chủ nhật nữa vì nhiều người muốn nghe mà đêm qua không đủ chỗ. Chúng tôi phải ở lại diễn thêm để 3 giờ sáng thứ hai lên đường về. Ông bí thư cho một chiếc phà đặc biệt chở đoàn chúng tôi qua sông Cữu Long để kịp về Thành phố đi làm.

Khuya chủ nhật hát xong, mọi người kéo nhau đi vòng quanh Đại học Cần Thơ vừa hát nghêu ngao, vui sướng như điên. Trần Long Ẩn đấm thình thình lên lưng tôi: ” Đã quá, bạn ơi!” TCS và Trương Thìn say sưa hát. Miên Đức Thắng la toán lên:”...Gọi quê hương mà nhớ, gọi quê hương mà thương”. Tôi, Lê Thị Kim và chị Hà (vợ anh Thìn) lẻo đẻo đi sau. Tôi cười: ”Thắng này vô duyên thật. Đang đi trên quê hương mình mà còn gọi nhớ, gọi thương”. Sơn nghe, quay lại cà khịa tôi ngay: ”Bộ bạn tưởng dễ gì đi trên quê hương mình mà được gọi nhớ gọi thương, la lớn lên giữa trời giữa đường như đêm nay đâu?”

Tôi giật mình thấy đúng với tình hình hồi đó... Cho nên anh Thìn đã chẳng gào lên mà hát: ”Dễ gì tôi mời anh điếu thuốc...Anh phải hút... Anh TCS, anh phải hút... Cho dù sau này có ung thư phổi, anh cũng phải hút !”.

Sau các đợt trình diễn trên, một vài bài báo ở trung ương phê bình:

-Ca khúc Đi qua vùng cỏ non của Trần Long Ẩn có câu ’Buồn phiền quanh vách núi, như gương không người soi’ – TLA muốn nói gì? Muốn ám chỉ ai?

-TCS thì trong Em còn nhớ hay em đă quên có câu: ‘Em ra đi nơi này vẫn thế...’, có nghĩa là sau 5 năm giải phóng, Sài Gòn vẫn không tiến lên được, vẫn dậm chân tại chỗ à?...

Tôi đến Hội trí thức, mọi người đưa báo cho xem và tiu ngỉu. Ai đó thốt lên buồn bả: ”Thôi rồi, đứa con ‘sáng tác mới’ chưa được mấy tháng tuổi!”

Chúng tôi họp lại, bàn kỷ xem có gì sai sót không? Hoàn toàn không. Anh tổng thư ký ức quá, dẫn các nhạc sĩ vào hát lại cho ông bí thư Thành phố nghe, giống như đã hát ở Cần Thơ. Ông bí thư Võ Văn Kiệt nghe TCS hát xong liền bảo: Không có vấn đề gì, anh em cứ tiếp tục. Chúng tôi nghe kể lại như mở cờ trong bụng.

TIẾNG HÁT THANH HẢI

Rồi một chiều, tôi vừa bước vô Hội Trí thức thì Sơn chạy ra kêu: ”Bạn vô nghe tay ni hát ác lắm”. Và Sơn giới thiệu: Thanh Hải, chuyên viên IBM, ngoại đạo cầm ca, chỉ hát chơi thôi. Trong phòng ăn của Hội, Thanh Hải ôm đàn, cất lên tiếng hát bài Chiều trên quê hương tôi, thì tôi nói ngay: ” Sơn ơi, được rồi. Đây mới là giọng hát Sơn cần tìm”. Giọng Thanh Hải Đà Nẵng hơi lai Huế và rất hợp nhạc Trịnh.

Sơn lại rủ sáng mai đến câu lạc bộ Hội Văn nghệ nghe Thanh Hải hát nữa. Tôi rất thích giọng Thanh Hải hát bài Cánh chim cô đơn và Đời gọi em biết bao lần. Sơn nói: ”Hải nó ‘cảm’ và ‘diễn’ đúng ý mình nhất”. Tôi rất đồng ý, vì có lẽ cùng là nam giới, dễ cảm hơn phụ nữ. Bỗng tôi chợt nhớ đến Khánh Ly và hỏi thẳng thừng: ”Còn Khánh Ly thì sao, vì Sơn vừa nói ‘đúng ý mình nhất’?” Sơn hơi giật mình và đăm chiêu: ”Khánh Ly là của Ca khúc da vàng và một số tình ca thời đó...” Tôi cười khẩy: ”Và Thanh Hải là của bây giờ phải không? Đừng có mới nới cũ đó nghe! Mà tui cũng công nhận đúng là Thanh Hải hát nhạc của Sơn ‘tuyệt chiêu’ rồi. Thôi, đừng cất công đi tìm nữa hí!” Sơn lườm tôi một cái đích đáng: ”Cái tai bạn sao mà ác liệt thiệt!” Tôi cười lại: ”Rứa mới trị nỗi TCS!” Sơn cười ruồi:”Huề!”.

Sau đó không lâu, Hội Trí thức lại cho tổ chức một đêm văn nghệ trình diễn giới thiệu những sáng tác mới của các nghệ sĩ trên, lần này có sự đồng ý của cấp trên nên không còn ai cà khịa nữa. Vé bán giá tượng trưng lấy tiền giúp nạn nhân bảo lụt Đồng bằng sông Cữu Long. Sân khấu ngoài trời 500 chỗ mà khán giả tràn đến cả ngàn người. Mấy em gác cổng chạy vào kêu cứu tôi: ”Chị ơi, toàn sinh viên học sinh không hà, chỉ xin vô đứng sát bờ thành không gây mất trật tự đâu”. Tôi hỏi ý kiến ban tổ chức: cho vào. Cả ngàn người đứng ngồi đầy cứng sân Hội mà im lặng theo dõi như ‘đói khát’ lâu ngày nay được món ăn tinh thần. Trước khi Thanh Hải hát TCS trịnh trọng giới thiệu: giọng ca mới mà Sơn vừa bắt gặp được trong nhóm bạn làm khoa học kỹ thuật, giọng rất ‘ăn’ với nhạc của Sơn. Lần này, Thanh Hải hát cùng Sơn rất nhiều bài, làm mọi người ngạc nhiên theo dõi và luôn trầm trồ thích thú.

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ kể lại: Hôm đó, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (ở Hà Nội vào) ghé tai nói nhỏ với tôi: ”Mỹ ơi, bài Như một hòn bi xanh tuyệt quá! Sơn nó đặt vấn đề nhân loại chứ không còn trong vòng quốc gia nữa. Lớn quá! Tuyệt quá! Anh ta sáng tác dễ dàng như lấy từ trong túi ra vậy!”.

Trên sân khấu Sơn say sưa hát Như một hòn bi xanh, Ở trọ, và Thanh Hải với Chiều trên quê hương tôi, Cánh chim cô đơn, Đời gọi em biết bao lần... Khi Thanh Hải hát xong, mọi người đứng lên vổ tay nhiệt liệt. Thành công ngoài sức tưởng tượng. Có đại diện nhiều cơ quan cấp trên tham dự và thấy không có vấn đề gì đáng phê bình! Mọi người ra về, nhóm tổ chức chúng tôi ngồi lại. Anh Thìn khoái chí ôm lấy Sơn mà ‘sướng’! Anh Cầu khề khà cụng ly với Sơn: ”Đã quá mày ơi. Bây giờ cứ yên tâm mà sáng tác”. Và chúng tôi đặt tên cho nhóm là “Nhóm sáng tác mới” do bác sĩ Trương Thìn hướng dẫn.

Thấy khán giả còn thòm thèm, anh Báu và anh Thìn bàn nên làm một buổi ở trường Taberd cũ (nay là trường sư phạm) có cả ngàn chỗ mới đủ cho khán giả của mình. Đêm nay Thanh Hải xuất hiện gần như là cái đinh của chương trình. Hải hát một loạt ca khúc TCS, đặc biệt bài Em còn nhớ hay em đã quên kỳ này Hải hát rất đạt. Chương trình kết thúc rồi mà khán giả cứ đứng lên hoan nghênh đòi bis bis mãi.

Tôi ngồi bên bà cụ thân mẫu anh Thìn, nhìn thấy cụ cứ quẹt nước mắt: ”Chao ôi, tui già ri mà nghe anh nớ hát bắt chảy nước mắt đây nì. Chao! cái giọng chi mà dễ thương và tội rứa...không biết nữa!” Đúng, hôm nay Thanh Hải ra chiêu hết ý, tuyệt thật. Và điều rất bất ngờ đối với tôi là bắt đầu từ hôm đó, bé Thái Hòa của tôi vừa mười tuổi cũng xuýt xoa theo bà cụ: ”Chú đó hát hay quá há má, con cũng muốn khóc nữa!”

Từ ngày TCS về hát ở Hội Trí thức, lần nào tôi đi sinh hoạt cũng chở hai đứa con theo. Em gái Thái Hòa còn nhỏ chưa biết gì, nhưng Thái Hòa đã bắt đầu nghe và có ý kiến, những ý trẻ rất ngây ngô và dễ thương. Lạ một điều là Thái Hòa rất mê chú Thanh Hải, nhất là khi nghe chú Hải hát bài Chiều trên quê hương tôi và Cánh chim cô đơn. Khi nghe Thanh Hải khắc khoải trên sân khấu: ”Đêm từng đêm bay về, quê hương là nỗi nhớ... Giấu nỗi buồn trong cánh...Hẹn hò nơi chốn xa”. Thái Hòa hỏi tôi: ”Con chim làm sao giấu được nỗi buồn trong cánh hả má? Tội nghiệp nó quá!” Tôi giật mình: ”Trời ơi! Con trai tôi mới mười tuổi đã biết cảm TCS rồi!”. Tôi phải cắt nghĩa cho nó hiểu đây là con chim sắt, tức chiếc máy bay, mà người phi công khi lái máy bay xa nhà... muốn giấu nỗi buồn trong cánh máy bay. Thái Hòa thường đi theo nghe TCS với chúng tôi cho đến năm 1990.

THÁI HÒA

Gia đình tôi đi đoàn tụ, định cư tại Canađa năm 1990. Năm sau, Thái Hòa dự thi và đoạt giải nhất “Giọng ca Vàng’ của cộng đồng người Việt ở Montréal. Em gái là Thiên Nga đã có căn bản nhạc truyền thống Việt Nam và nay theo học nhạc phương Tây ở đây. Hai anh em thành lập Đoàn Văn nghệ Lạc Việt gần 80 người, hầu hết là sinh viên học sinh Việt Nam và Canađa, với Nga làm trưởng đoàn. Hòa đi học xa ở Toronto nhưng vẫn liên lạc sinh hoạt văn nghệ với nhóm và là giọng ca nam chính của đoàn. Lạc Việt đã từng gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt và người Canađa. Lạc Việt được chấm đậu 20/120 đoàn trong cuộc thi âm nhạc đa văn hóa của Canađa, là đoàn Việt Nam đầu tiên được chọn biểu diễn báo cáo trong Nhà hát lớn nhất Montréal và đài truyền hình Canađa tới nhà phỏng vấn. Đoàn thường đi lưu diễn ở đại học, chùa, nhà thờ và các ngày lễ Tết Việt Nam, Canađa. Cứ mỗi lần đến Canađa giảng dạy, giáo sư Trần Văn Khê đều ghé lại sinh hoạt, khich lệ và cố vấn cho Lạc Việt.

Ở Toronto, Thái Hòa thường gặp gỡ bạn bè Việt Nam và nhạc TCS là cái hồn quê hương đất nước ru dỗ Thái Hòa những năm tháng sống xa gia đình. Tuy còn đi học mà năm 1993 Hòa đã ra được CD đầu tay ‘Tiếng hát Thái Hòa’, phát hành cả ngàn bản ở Bắc Mỹ.

Đến 1992, TCS qua thăm gia đình ở Canađa có gặp Khánh Ly từ Mỹ sang, và kêu hai đứa con tôi lại nhà đàn hát chơi với Sơn. Sơn bắt hai đứa gọi bằng ‘Cậu’, không cho kêu chú như những người khác: ”Vì cậu với má con hồi ở Đại học Văn khoa ngày xưa thân nhau lắm, cả cậu Tịnh nữa”. Rồi Thiên Nga phối nhạc cho Sơn và Khánh Ly hát, vì Nga đang học nhạc cổ điển phương Tây tại Đại học McGill ở Montréal. Thái Hòa thì hát chơi với cậu Sơn, nghe cậu kể về sự tích các ca khúc. Hòa rất thích thú và mê cậu Sơn lắm. Từ đó, các đứa cháu của TCS theo học piano, đàn tranh với Thiên Nga và thường cùng đi lưu diễn với Lạc Việt.

Trước khi Thái Hòa về lại Tornto đi học lại, gia đình tôi có mời Sơn đến nhà chơi một bửa, nhưng Sơn không dám đến vì đang bị một số người Việt chống Cộng ở Montréal chống đối và hăm dọa. Cuối cùng Sơn đã đến họp mặt chung vui với bạn bè du học trước 1975 tại nhà anh chị LCP. Tôi gặp lại Sơn và chúng tôi cũng kể về những giai đoạn sinh hoạt nhạc Trịnh gian nan nhưng đầy kỹ niệm trước và sau 1975. Có bạn hỏi tại sao Sơn không qua Canađa định cư vì cả gia đình các em Sơn đã ổn định ở đây rồi? Sơn cười: “Qua đây thì tôi viết được gì bây giờ?...” Rồi quay sang hỏi tôi: “Bạn đã qua đây ở mấy năm rồi, thấy sao?” Tôi cười: “Mệt, buồn và nhớ nhà khôn nguôi”. Sơn nói tiếp: “Cảnh sống ở đây văn minh thật. Montréal đặc biệt có vẻ giống Paris mà mình rất thích nhưng sao vẫn không lay động được trái tim mình thì làm sao viết đây?” Tôi đáp: “ Có lẽ vì trái tim Sơn đã lỡ gắn chặt với Việt Nam rồi. Mà tụi tui cũng vậy. Qua đây vài năm cho con cái học hành xong rồi cũng quay về thôi. Chứ ở đây như tụi mình đến già làm sao sống nỗi! Cứ nhìn cảnh mấy người già Canađa ngồi trong nhà dưỡng lão nhìn lá thu phong đổi màu theo mùa, những sáu màu từ vàng tới đỏ, đẹp lắm, mà cũng buồn lắm Sơn ơi! Đến mùa tyuết rơi thì cũng đẹp chi lạ, mà buồn chết được. Làm sao bằng những hàng me xanh và phượng đỏ của quê nhà, phải không? Vì bọn mình đã lỡ gởi gắm tuổi thơ trên quê hương thân yêu sâu đậm quá rồi. Bây giờ dù quê mình chưa kịp bằng người thì cũng phải về thôi. Ở đây, ai giàu kệ họ!” Sơn cười: “ Chí lý!”

Năm 1995, Thái Hòa tốt nghiệp đại học cùng Nga về Việt Nam làm thực tập, lại có dịp đến cậu Sơn chơi và đàn hát. Hòa giới thiệu với cậu Sơn CD đầu tay ở Canađa trong đó có nhiều bài của cậu làm cho Sơn xúc động, vui thích. Sơn khoe với tôi: ”Cái giọng thằng Thái Hòa giống Thanh Hải chi lạ, chỉ hơi non một tí, nhưng mình rất thích. Để mình luyện dần cho cháu. Bạn cho hắn đến ở đây luôn với mình đi, mình còn một căn phòng bỏ trống trên lầu. Nói hắn đến đây mình tập thường xuyên cho”. Nhưng Thái Hòa còn bận nhiều công việc không đến ở với Sơn được.

Cuối năm 1996 hai đứa con tôi phải quay về Canađa. Mỗi lần gặp tôi, là Sơn tíu tít hỏi: ”Sao bạn ‘dú’ hai đứa nhỏ ở đâu mà không cho lại chơi với tui. Tụi nó có nhiều triển vọng và dễ thương quá”. Tôi bảo: ”Tụi nó phải về Canađa làm việc chứ rảnh đâu mà cứ ở đó tới chơi với ông hoài”.

Vào năm sau, Thái Hòa quay về lại Việt Nam làm việc với một công ty Pháp ở Bình Dương nên có nhiều dịp tới lui với cậu Sơn cho thỏa thích cả hai. Không ngờ đó là những năm cuối đời của Sơn. Lúc đó Hòa gặp cô bạn Mỹ Jennifer Thomas sang Việt Nam làm từ thiện và thích hát TCS. Thế là Sơn lại tập cho Thái Hòa và Jennifer hát loạt sáng tác mới họ tâm đắc. Chỉ những ngày cuối tuần Thái Hòa mới đến tập hát với Sơn và Jennifer. Có hôm cùng ra hát ở quán Những người bạn (sau này đổi là Câu lạc bộ Nhạc sĩ) được hoan nghênh nhiệt liệt. Sơn rất vui và khen giọng Jennifer thánh thiện lắm. Dù là dân thanh nhạc và ca đoàn nhà thờ, nhưng Sơn đã luyện cho hát chung với Thái Hòa rất ‘ăn’ với nhạc Trịnh.

Vài năm trước khi Sơn mất, Thái Hòa cùng các bạn giảng dạy ở nhạc viện Thành phố như Hoàng Công Luận (piano và hòa âm), Thanh Huy (ghi ta), Anh Tú (violon) thường đến đàn hát, đàm đạo với Sơn.

BẢY CÁI THẤT TCS

Ngày Sơn mất, Hòa, Luận và Huy đã ngồi đàn hát nghêu ngao suốt mấy ngày đêm bên quan tài TCS để tiễn đưa Sơn ‘về nơi cuối trời’. Sáng hôm đưa tang Sơn, tôi cùng bạn bè đến tiễn Sơn lần cuối. Thái Hòa gầy rạc, thút thít khóc Sơn như một người cậu ruột. Tôi thầm cám ơn Sơn đã gieo vào tâm hồn con tôi một dòng nhạc hiền hòa, nhân hậu, một dòng nước ngọt của quê hương làm dịu mát tâm hồn trẻ thơ, từ khi mới lớn lên mười cho đến tuổi ba mươi ngày hôm nay. Và sau đó, gia đình chúng tôi tham gia tổ chức suốt bảy cái Thất của TCS tại Hội quán Hội ngộ ở làng du lịch Bình Qưới do anh bạn Cao Lập làm giám đốc. Lập cũng là một người mê nhạc Trịnh từ thời sinh viên.

Hôm Thất đầu tiên của TCS nặng về tưởng niệm, và không kịp mời nhiều ca sĩ, ngoài chị Lan Ngọc, nên chỉ có bạn bè ‘cây nhà lá vườn’ lên đọc thơ, kể chuyện và hát tưởng niệm TCS. Các em Sơn đều có mặt, cả giọng ca Vĩnh Trinh. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lên kể vài kỹ niệm sống với Sơn. Họa sĩ Trịnh Cung vừa ở Mỹ về đến, lên kể chuyện tưởng niệm TCS ở California do anh và bạn bè bên đó tổ chức. Đổ Trung Quân ngâm thơ và Thái Hòa hát. Tôi cũng kể câu chuyện tôi cùng chị bác sĩ Đổ Thị Văn lần đầu tiên tổ chức thể nghiệm Ca khúc da vàng tại trụ sở Sinh viên Phật tử Sài Gòn năm 1967. TCS đã rất xúc động cùng tôi leo lên thang giăng biểu ngữ giới thiệu ca khúc phản chiến vừa sáng tác đó.

Mọi người còn bắt tôi phải hát một bài TCS. Tôi có chuẩn bị trước gì đâu, đành phải hát đại bài Ru con (tức là Ngủ đi con) vừa run vừa xúc động đến chảy nước mắt. Vậy mà bà chị nhà thơ Hỷ Khương khi ra về ôm tôi nói nhỏ: ”Bị bắt cóc thình lình mà kể chuyện hay quá, hát cũng hay. Giứt (nhất) rồi đó!” làm tôi ‘hơi bị sướng’! Thiên hạ về hết, hai má con tôi còn phải ngồi lại với ban tổ chức chuẩn bị cho cái Thất thứ hai, chứ chơi kiểu ‘bắt cóc bỏ dĩa’ như vầy dễ bể lắm.

Cái Thất thứ hai đến ngay sau đó mấy ngày, tụi tôi kê vội một cái bàn trưng bày một số nhạc cũ của Sơn, nhà ai còn giữ xin mang tới cho mượn, ai muốn tặng luôn cho Hội quán càng tốt. Và dựng ngay cái bàn thờ Sơn ở dưới gốc đa, bên trái phía trước ngôi nhà. Với một cái tượng tạc nửa người TCS do anh Lánh (một nhà điêu khắc gốc Non Nước, Đà Nẵng hâm mộ Sơn) vừa khắc xong, và một bàn để hoa quả trà nước. Thế là Thất thứ hai đã có bàn thờ để bà con khán thính giả đến thắp hương nghi ngút tưởng niệm TCS. Có Kim Ngọc (nguyên là ca sĩ trong ban ‘Giây leo xanh’ của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu) đến mở đầu chương trình với Thái Hòa bài Cát bụi. Ca khúc này trở thành thông lệ mở đầu cho các buổi tưởng niệm về sau.

Hôm đó mời được vài người bạn hát ở các ca đoàn. Cây saxô Trần Mạnh Tuấn và nhạc sĩ Bảo Phúc thường xuyên có mặt. Chị Bích Ngà, giám đốc một công ty xây dựng mà giọng hát cũng khá hay thì luôn có mặt. Lần này tôi cũng bị ‘bắt cóc’ lên hát Ca dao mẹ với vài bạn khán giả... Lần nào mọi người cùng vổ tay hát chung bài Nối vòng tay lớn để kết thúc buổi sinh hoạt văn nghệ tưởng niệm TCS.

Sang cái Thất thứ ba, có thêm Kim Lan, chị em họ của Kim Ngọc có giọng ca đặc biệt giống Khánh Ly làm mọi người sửng sốt cứ tưởng Khánh Ly về Việt Nam hát cho Sơn. Và tôi có lên kể về sự tích ca khúc Hãy sống dùm tôi do Sơn đã lấy ý từ bài thơ ‘Chấp tay tôi quỳ xuống’ của chị Nhất Chi Mai tự thiêu cho hòa bình Việt Nam năm 1967. Tôi phải kể câu chuyện này để trả lời cho một bài báo phê bình TCS ‘yếu đuối’ đến độ phải nhờ người khác “sống dùm, nói dùm, thở dùm” cho mình. Họ không hiểu đó là ý câu thơ “Sống mình không thể nói, chết mới được ra lời” của Nhất Chi Mai.

Đến cái Thất thứ tư, nhân ngày kỹ niệm giải phóng Sài Gòn, đặc biệt có mặt những người bạn sinh viên đã cùng TCS hát bài Nối vòng tay lớn trên đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30/4/75. Như các anh Hà Thúc Huy (giảng viên đại học Tp.HCM), Huỳnh Ngọc Chênh (ban biên tập báo Thanh Niên), Nguyễn Tân (giám đốc công ty xây dựng Thành Đoàn)... và Nguyễn Hữu Thái (bạn học thời trung học với Sơn và là bố Thái Hòa). Anh Thái kể lại câu chuyện đó, cùng các bạn và khán giả vổ tay đồng ca, hát lại bài Nối vòng tay lớn trong niềm thương tiếc Sơn.

Cái Thất thứ năm, ngoài các ca sĩ thường xuyên có mặt ở Hội quán với Lan Ngọc, Kim Ngọc, Kim Lan, Thái Hòa... nay có thêm Phi Huệ và Tự, hai ca sĩ ‘nhí’ hâm mộ nhạc Trịnh từ thời học sinh trước ’75. Họ lên song ca Nhìn những mùa thu đi, rất gợi cảm, sưởi ấm lòng chúng tôi giới ‘sồn sồn’ bây giờ. Ai cũng ngậm ngùi nhớ lại cái thời đi học của Sơn và của chính mình...

Cái Thất thứ sáu, sau một số ca khúc do các ca sĩ bạn Hội quán trình bày xong thì trời bỗng đổ mưa như trút nước. Tuy vậy khán giả vẫn không chịu giải tán đi trú mưa hoặc ra về, mà vẫn nhất định đội áo mưa che dù ngồi lại chờ chương trình tiếp tục. Mưa quá, các ca sĩ đã mời báo không đến được. Ban tổ chức hoảng quá, ‘cây nhà lá vườn’ phải lên thôi. Thái Hòa gọi tôi kêu cứu: ”Má phải lên chửa cháy ‘temps mort’ (lấp khoảng trống) để bọn con nghỉ tí, còn gồng tiếp phần sau chương trình, mưa quá chắc ca sĩ không tới đâu!”

Tôi lại lên micro hát trong mưa bài Ngủ đi con. Dù bị ướt sủng khá lạnh cũng không đành lòng để người nghe ngồi trong mưa mà nhìn lên sân khấu trống vắng.

Đến Thất thứ bảy tức 49 ngày, rồi lễ 100 ngày, chương trình được chuẩn bị khá chu đáo, có mặt đầy đủ gia đình TCS và ca sĩ bạn bè nổi tiếng của Sơn như Lan Ngọc, Cẩm vân, Hồng Nhung, Bích Hồng..., các nhạc sĩ Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn, đạo diễn Đoàn Khoa...

Các đêm trình diễn sau tổ chức theo chủ đề mà Cao Lập, Thái Hòa và các bạn đã dày công thực hiện, như Đêm Văn Cao và Trịnh Công Sơn, đêm Mãi mãi là tình yêu của Phan Huỳnh Điểu...

Cũng may là trong thời gian này gia đình tôi, đặc biệt là Thái Hòa, còn về ở Việt Nam làm việc, nên đã thường xuyên góp tay với Hội quán lo chu đáo mấy cái Thất của Sơn. Chắc TCS cũng vui lòng ở cõi bên kia.

NIỀM TIN YÊU VÀ HY VỌNG CỦA RIÊNG TÔI

Thái Hòa từ năm 2002 đã chuyển công tác và gia đình sang Pháp, nhưng cũng ráng tìm dịp quay về Hội quán Hội ngộ hát cho cậu Sơn một hai buổi. Tuy ở nước ngoài Thái Hòa vẫn hoạt động tích cực đem nhạc TCS phổ biến cho Việt kiều và bạn bè nước ngoài ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Canađa...

Vào giữa năm 2003, vợ chồng tôi cũng đi Pháp với Thái Hòa. Chúng tôi thường đi Ý sinh hoạt ở Nhà Việt Nam của chị Sandra Scagliotti và chồng chị là nhạc sĩ Jazz Fulvio Albano tại thành phố Torino, nơi có đặt thư viện TCS do Hòa và bạn bè thành lập. Vào một dịp tổ chức trình diễn TCS tại Torino, tôi lên múa kiếm Taichi (Thái cực dưỡng sinh) cho Thái Hòa hát Bốn mùa thay lá, làm một số phụ nữ Ý đòi tôi ở lại lập hội dạy Taichi với nhạc nền TCS cho họ. Tiếc rằng sáng hôm sau, tôi và Thái Hòa phải trở về Pháp cùng gia đình. Một lần khác ở thành phố Verona tôi cũng đã lên hát cùng Thái Hòa bản Hãy sống dùm tôi sau khi kể câu chuyện về Nhất Chi Mai tự thiêu cho hòa bình Việt Nam là nguyên do thúc đẩy TCS viết lên bản nhạc, làm người nghe đa số là Việt kiều xúc động, ngậm ngùi.

Vào năm 2005, Thái Hòa được anh chị Việt kiều ở châu Âu mời qua Thụy Sĩ hát chung với Khánh Ly trong một chương trình TCS. Đây là một điều bất ngờ đối với chị, và chị đã tâm tình với khán giả rằng không ngờ có ngày hôm nay cùng đứng hát chung trên một sân khấu với con trai người bạn thân của TCS và chị từ 40 năm trước. Và Thái Hòa tuy là người ngoại đạo cầm ca, nhưng chị rất tin tưởng trao lại cái ‘nghiệp’ hát TCS cho cháu...

Tôi rất vui mừng và ấm lòng khi nghe Khánh Ly nói thế, vì trong lòng tôi đang có một bông hoa đẹp và mãi mãi dễ thương luôn nở ra với đời những nụ cười ru dỗ, mong xoa dịu phần nào những nỗi đau trần thế, như TCS hằng mong muốn.

Đó là bông hoa Nguyễn Hữu Thái Hòa, con trai và là niềm tin yêu, hy vọng của riêng tôi.

Trần Tuyết Hoa
Tháng 4 năm 2006

Các thao tác trên Tài liệu