Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Huyền thoại về con người

Huyền thoại về con người

- Webmaster cập nhật lần cuối 21/08/2006 16:06
Tô Thùy Yên, 01/1967. Lời tựa (*) cho tập nhạc "Ca khúc Trịnh Công Sơn".

Nếu ở vào một thời đại khác, có lẽ anh đã chẳng viết những ca khúc này.

Những ca khúc với nhịp nói kể récitativo rã rời, bải hoại, thảm thiết cùng độ đàn trên diệu blues đau nghẹn, đè nén công phẩn, điệu của một màu da nô lệ.

Những ca khúc như những bản chúc thư của con người trong tôi.

Mỗi ca khúc như một lời trối trăn tuyệt mệnh vừa đủ cho đời người, một bài thôi tưởng không cần nói thêm cũng xong.

Những ca khúc dựng lên viễn tượng ghê rợn của thế giới sau ngày cuối cùng, một thế giới lạnh lẽo, cô tịch, im lìm trên đó những dấu tích nhân loại đã bị bôi xóa, chỉ còn mỗi con người độc nhất sống sót lủi thủi đi tìm trong vô vọng cái ý niệm về mình.

Những ca khúc như những bản spírituals để đám đông bị giam hãm chờ chết đồng ca trong cơn đại nạn.

Những ca khúc như những báo hiệu cuối cùng của đêm tối vĩnh cửu trên trần gian.

Những ca khúc như những lời kể tội chung thẩm để chẳng buộc tội ai hết, nếu chẳng phải để buộc tội chính mình.

Những ca khúc như những tra vấn quyết liệt về đời nguời nhìn thấy qua một chuyến phiêu lưu của hữu hạn trong ngàn trùng vô hạn.

Ðã tan biến tụ bao giờ cái áo tưởng chói lòa này? nghệ thuật, khi đi đến tận cùng hành trình của nó, sẽ giải phóng con người khỏi cái thân phận nghiệt ngã.

Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta lại nghiệm thấy một cách chua xót rằng nghệ thuật đã dìm con người sâu hơn trong nỗi khốn khổ chung thân cửa nó, đã trói con người chặt hơn vào những thực tại khiếp đảm của nó.

Ở đây, vì tình thế đau đớn đặc biệt của quê hương, chúng ta phải gánh chịu gấp đôi thân phận nhân loại.

Do đó, có vài người tâm hồn giản dị đã vội kết luận rằng những ca khúc này của anh là những tác phẩm phản chiến để buộc tội anh về những tác dụng nguy hại của chúng đời với đám đông trong giai đoạn nghiêm trọng này của đất nước.

Chẳng lẽ chúng ta lại lên tiếng trách móc sao những người lại nỡ mang đặt nghệ thuật vào trong một cuộc đầu tư ngắn hạn và chắc chắn thua lỗ.

Nghệ thuật khi đã hình thành, là một nhận thức bao quát về đời sống, là cánh hồng bay bổng tuyệt vời, chớ đâu phải là con gà què ăn quẩn cối xay.

Phải vậy không anh ?

Que nous reste-t-il de sacré ?

Ðối với câu hỏi đã xưa này của Vigny, chúng ta cũng chẳng cần phải trả lời dài dòng thêm nữa.

Chẳng lẽ lại trả lời rằng anh chỉ còn có cây đàn cùng những lời ca thảm thiết bám đau trí não hay sao?

Những ước vọng hiệp sĩ của chúng ta trong thời tuổi nhỏ đã được chôn sâu nơi bãi sầu cùng với tuổi nhỏ tự hủy hoại sớm hơn hạn kỳ.

Bài học đắt giá nhất chúng ta đã thu thập được dưới sân của thế kỷ này là cái chết của con người khai báo bơi Malraux.

Thành thử, trong những ca khúc này, thêm một lần nữa, anh khai dạng huyền thoại về con người, thảm kịch của kẻ xa lạ nơi trần thế lưu đày, những tư tưởng phổ biến trong thời đại.

Lại có vài người cũng vội nhận định rằng nghệ thuật của anh thắm đượm màu sắc tôn giáo, thiêng liêng.

Thật ra huyền thoại là gì nếu nó chẳng phải là một câu truyện ngụ ngôn nhằm giải thích sự khởi đầu của thế giới, là một câu truyện kể về sự sáng tạo sơ khai.

Nói cách khác, huyền thoại cũng là giấc mộng đi tìm ý nghĩa chính đáng cho đời sống.

Dùng tới huyền thoại tức ước muốn làm lại thế giới.

Từ đó suy đi, tôi tưởng tượng sẽ được nghe dưới tên anh, một ca khúc của hy vọng xanh rờn nhu lá non mở phơi trong một buổi sáng tinh sương tôi thức dậy còn nhìn thấy mặt trời, còn nhìn thấy đồng loại, nhất là còn nhìn thấy con người trong tôi.

Xin mượn câu đầu của truyện tình Tristan để làm câu chót của bài này:

Seigneurs, vous plaít-il d'entendre un beau conte... ?

Tô Thùy Yên
01/1967

(*) Lời tựa do chúng tôi nhan đề.

Các thao tác trên Tài liệu