Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha: Thực hay giả?
Báo Thơ, phụ bản của Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (số
12/6/2004) đăng một bản như tư liệu có nhan đề Thư của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha nhân sự kiện cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
được trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới.
Lời giới thiệu bức thư này viết ngắn gọn: “Xin trân trọng được giới thiệu lá thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Bức thư được đăng có ba đoạn (hay dòng) bị lược bỏ, nhưng phần còn lại dài đến 1,5 trang báo. Thư lại không ghi ngày tháng viết, chỉ ghi năm 1974 ở cuối thư, như ghi chú của một tác phẩm văn học. Và với một tư liệu quan trọng như thế về hai con người nổi tiếng đều đã quá cố, liên quan đến một giai đoạn lịch sử của đất nước, tờ báo lại không đăng kèm theo bút tích hoặc thủ bút nào của tác giả, cũng không hề có một dòng về xuất xứ của nó.
Trước khi nói đến vấn đề bức thư, tôi xin được nói một chút về mối quan hệ của tôi với hai người vì có thể nó sẽ làm sáng tỏ một số khúc mắc. Tôi quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha từ năm 1968. Năm 1970, nhà thơ Ngô Kha, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các anh Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và tôi cùng chủ trương tờ báo đấu tranh bán công khai Tự Quyết, xuất bản được 2 số ở Huế. Bản nhạc Ta phải thấy mặt trời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được in ở đây. Từ đó cho đến giữa năm 1972 (lúc tôi thoát ly, anh Ngô Kha bị ngụy quyền bắt rồi bị thủ tiêu) anh Ngô Kha và tôi có gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một vài lần, cả ở Huế, cả ở Sài Gòn. Đó là thời gian tôi gần như có mặt thường xuyên bên cạnh anh Ngô Kha.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... đoạn mở đầu viết: “Kha, lá thư nhận được sau cùng của Kha gởi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa...". Đọc đoạn thư này tôi cảm thấy ngờ ngợ vì vào thời gian bức thư ra đời (1974, theo ghi chú ở cuối thư) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu (lúc bấy giờ gọi là mất tích). Còn thời gian trước đó, tôi có thể khẳng định rằng anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một bức thư nào. Đó là những năm cao trào của phong trào đô thị Huế mà nhà thơ Ngô Kha là một ngọn cờ, anh gần như suốt ngày có mặt trên đường phố trong các cuộc bãi khóa, xuống đường. Cả trong thời gian ở tù, anh Ngô Kha cũng không viết thư cho ai, kể cả những người thân nhất của anh, trong đó có tôi. Mặt khác, vào thời điểm ấy, nếu có một bức thư nào của nhà thơ Ngô Kha gửi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chắc chắn bây giờ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn lưu giữ, vì giữa hai người ngoài tình bạn còn có mối quan hệ khác. Thứ hai, tôi lại càng ngờ ngợ hơn nữa khi đọc một số từ, cụm từ trong bức thư vốn rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như: “tiêu diệt tự do tư tưởng”, "tập thể nhân dân", "vấn đề tổ chức cơ cấu"... Tôi cũng rất lấy làm lạ rằng, vào thời điểm ấy (1974) mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có thể viết được một bức thư dài như thế (có thể dài nhất trong đời Trịnh Công Sơn) và lại thể hiện rất rõ ràng quan điểm của mình. Đây không phải là vấn đề tô hồng hay bôi đen nhưng quả thật với riêng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì đây là một hiện tượng rất lạ.
Tất nhiên trên đây là cảm nhận riêng tư của tôi thông qua mối quan hệ với hai người. Tôi cũng đã hỏi ý kiến của một số người quen biết, gần gũi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Võ Quê... và họ cũng đều bày tỏ mối cảm nhận như tôi. Và vừa qua, nhân Festival thơ Huế 2004, vấn đề bức thư cũng rộ lên trong câu chuyện bên lề của cuộc gặp gỡ. Điều rất lạ ở đây là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Trưởng ban Biên tập Báo Thơ và là người trực tiếp cung cấp bức thư) thay vì cho biết nguồn gốc bức thư, ông lại nói cười một cách lấp lửng, làm cho mối nghi ngại càng lớn hơn.
Tôi nghĩ rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha đều là người nổi tiếng mà cuộc đời, sự nghiệp của họ gắn liền với một giai đoạn lịch sử của đất nước. Và do hai người đều đã khuất, nên tất cả các tư liệu lịch sử liên quan đến họ cần phải có cơ sở kiểm chứng, không chỉ để cho họ mà còn cho những người yêu mến họ và các thế hệ sau. Và tôi cũng nghĩ rằng, chỉ một thông tin, một tư liệu nhỏ đăng trên báo, người viết cũng cần phải ghi chú nguồn trích dẫn, thế thì tại sao với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một dòng nào ghi chú về xuất xứ của nó ?
Thái Ngọc San
Thanh Niên online, 25/06/2004.
Các thao tác trên Tài liệu