Dao Ánh - Một thời để nhớ - Kỳ cuối
Tưởng rằng đã quên...
Trong một tình khúc của Trịnh Công Sơn có câu: Tưởng rằng đã quên - cuộc tình sẽ yên - tưởng rằng đã quên nhưng tim yếu mềm - một ngày thấy em là đời bỗng đêm vây khốn… Còn lại đây những sớm mai buồn - vì phố xưa cỏ lá mong manh.
Dao Ánh một lần gặp gỡ Trịnh Công Sơn - Ảnh do gia đình TCS cung cấp
Cách đây hơn một năm, vào tháng 3.2010, khi về thăm Việt Nam, lần đầu tiên chị Ngô Vũ Bích Diễm nói về chuyện tình của mình với Trịnh Công Sơn (TCS) qua bài phỏng vấn đăng trên báo điện tử Đất Việt: “Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế và vào học ở Sài Gòn, với tôi Huế là một tình yêu bất tận, tôi yêu anh Sơn như yêu Huế, bây giờ Huế đối với tôi là một quê hương thứ hai, là một phần trong cuộc đời của tôi”. Chị Diễm nói thêm là chị với anh Sơn có những kỷ niệm rất khó nói: “Cái bóng của anh Sơn quá lớn nên Diễm chọn cách im lặng để nghe người ta nói, còn tình cảm của Diễm đối với anh ấy là mãi mãi”.
“Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu. Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. “Chưa hiểu hết” là cách nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là “hoàn toàn không thể hiểu”. Nếu có một người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu”.
TRỊNH CÔNG SƠN
Còn chị Dao Ánh? Khi TCS và chị thư từ qua lại khoảng ba năm, mãi đến gần Tết Trung thu 1966 (lúc chị 18 tuổi và anh Sơn 27 tuổi), thì TCS mới nói lời tỏ tình đầu tiên: “Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói và vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh”. Đó là “lần đầu tiên (anh Sơn) tự thú điều đó ra trước” với một “chú thích” kèm theo: “nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh vẫn hằng mong”. Nhận được hồi âm tuyệt vời của Ánh, TCS đã lấy xe đến nhà Bửu Ý để uống rượu và “đốt cho ngời thêm những hân hoan”. Nhiều lần sau đó, dưới các nhắn gửi đến Dao Ánh có thêm mấy chữ “Anh ôm em”.
Rồi chẳng hiểu vì đâu, TCS đã hai lần ngỏ lời từ biệt Dao Ánh. Lần thứ nhất là vào tháng 3.1967: “chúng mình chấm dứt tình yêu ở đây (…) anh xin cám ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó - cũng xin cám ơn những buổi đợi thật dịu dàng”. Nhưng rồi, vẫn chưa “dứt” được. Lần thứ hai vào hai năm sau, đầu tháng 4.1969, khi biết tin Ánh kết hôn với một người khác: “nghe tin này anh thấy bàng hoàng và thấy khó tin (…) anh chỉ muốn nói với Ánh một lần cuối điều thầm kín anh đã giữ lại trong anh bấy lâu - đó là mơ ước anh được có Ánh bên cạnh để cùng đi với nhau dài lâu trong đời sống này - bây giờ mọi điều đã lỡ. Ước mơ chỉ còn lại trong anh như một ngọn đèn không được đốt lên (…) Mọi việc đến quá nhanh - việc chuẩn bị cho tương lai của anh thì quá chậm (…) Từ buổi chiều nay hay là sớm mai này anh phải tập cho anh vào một lề lối mới, tập cho anh biết rằng từ đây anh không bao giờ còn có Ánh được nữa. Chúc Ánh cũng hạnh phúc như Diễm”.
Những tưởng từ đó đã khép lại “rừng xưa”.
Nhưng cuối năm 1975, TCS nhận được mấy lời nhắn ngắn ngủi của Dao Ánh viết trong một mảnh giấy nhỏ mà ông giữ mãi về sau. Lúc bấy giờ, ông về Huế và ở đó hơn 4 năm mới vào lại Sài Gòn (1979). Sang năm sau, TCS lại nhận một bộ dây đàn và một tút thuốc lá Pall Mall của Dao Ánh gửi từ nước ngoài về tặng. TCS chuyển địa chỉ của em gái mình là Trịnh Vĩnh Thúy ở Canada để Dao Ánh thư từ qua lại cho vui. Tháng 5.1989, TCS qua Pháp và đã gặp Dao Ánh tại Paris tháng 6 năm ấy, rất vội vã và qua nhanh như sau này TCS viết “có những hạnh phúc không bao giờ mình đến gần được”. Nhưng về lại Việt Nam, những gì “tưởng rằng đã quên” dường như sống lại. Để rồi, như TCS nhắn với Dao Ánh, khá rõ: “Một dĩ vãng tưởng chừng sẽ mất khuất mãi mãi bỗng dưng còn đó, trở về như một hiện tại, như của ngày hôm nay. Tất cả những hình ảnh đó cứ trôi đi bềnh bồng trong anh và cứ buộc anh phải cầm ly rượu lên để mà nhớ”. Kèm lời nhắn ấy, TCS gửi tặng Ánh một hộp đựng nữ trang bằng sơn mài với “một lời đề tựa” lãng mạn: “anh gửi Ánh cái hộp laque đựng bijoux, đựng luôn trong đó nỗi nhớ của anh và nếu cần Ánh hãy bỏ cả nỗi nhớ của Ánh vào đó”. Cũng năm ấy, 1993, Dao Ánh về thăm Việt Nam, gặp TCS và một biến cố tình cảm nào đó đã làm chấn động TCS để ông gần như thức trắng đêm viết bản Xin trả nợ người tặng Dao Ánh, sau đó Dao Ánh đã ly dị chồng khi về Mỹ. Từ điệu nhạc đến ca từ mở đầu của bản ấy nghe não nùng lắm: “Em phụ tôi một thời bé dại. Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi”. Song đến đoạn cuối, lời trách giận người yêu bỗng chùng xuống với biến tấu dịu dàng, như tâm hồn đôn hậu của ông: “hai mươi năm vẫn là thuở nào”. Phải chăng đó là thuở “dấu chân địa đàng” vừa in lên cát bụi…
"Xin trả nợ người" - bản TCS chép tặng Dao Ánh năm 1993
Ảnh do gia đình TCS cung cấp
Giao Hưởng - Dạ Ly
thanhnien.com.vn, 05/04/2011
Các thao tác trên Tài liệu