Những Kỷ Niệm Rời Cùng Khánh Ly
Đà Lạt 1964
Mùa hè Đà Lạt thường mưa buổi chiều, mưa liên tiếp ba buổi rồi tạnh. Mưa núi buồn hơn mưa thành phố, có thể ngửa bàn tay hứng những hạt mưa đá li ti rồi tan ngay. Mây xám thấp, sà xuống sát núi chỉ chừa lại một loé sáng, một màu mây nếu vẽ lên tranh sẽ thấy thật dữ dội. Những cây thông già mờ đi trong từng đám mây băng qua. Và gió se lạnh, phải kéo cao cổ áo. Chúng tôi có một buổi chiều thật đẹp, Khánh Ly với chiếc jupe ngắn màu xanh nhạt, cầm khay đưa kéo cho ông Thị trưởng Thành phố cắt băng khai mạc phòng tranh tại Alliance francaise de Dalat (lúc ấy là trung tá Trần Văn Phấn, hiện ở tại Centreville,Virginia)
Tôi triển lãm ở đó vào dịp Lễ Giáng Sinh 1965 với ba mươi ba bức tranh sơn dầu, Trịnh Công Sơn nói lời giới thiêu và catalogue có ghi dòng chữ xiêng nhỏ: dédié à Tuyết Nhung. Một không khí đầy tình bằng hữu, phương xa về có các anh Phạm Duy, Nguyễn Văn Trung, Christian Cauro (giáo sư Đại học Văn khoa Huế và Sài Gòn, đã mất tại Paris), Marybeth Clark (giáo sư anh văn nữ trung học Đồng Khánh Huế, hiện ở San Diego–California), từ Saigon lên, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Huế vào, tại Đà Lạt có anh Đỗ Long Vân, anh chị Hoàng Anh Tuấn–Ngô Thy Liên, Thái Lãng, Trịnh Công Sơn, Trịnh Xuân Tịnh, Nguyễn Xuân Thiệp, Tôn Nữ Kim Phượng, chị Thanh Sâm …và Dì Ba, ông café Tùng. Ông Tùng mua bức tranh Thiếu nữ Xanh treo ở café Tùng cho đến nay, qua vật đổi sao dời, tranh đã ngã màu, hư hao …và ông Tùng cũng không còn nữa. Dãy ghế da nâu liền nhau trong quán vẫn không thay đổi, vách bên mặt treo bức tranh sơn dầu lớn “Người đánh đàn guitar” của Vị Ý, phòng nhỏ bên trong có bức “Chân dung thiếu nữ” của Cù Nguyễn rất quý…còn nhớ ông hay khoe bộ báo Bách Khoa đầy đủ, đóng bìa da, để ở lầu trên nay tan tác nơi nào?
Nguyễn Xuân Thiệp, Trần văn Phấn, Đinh Cường, Thái Lãng |
Khánh Ly, Đinh Cường, Trung Tá Phấn, Trịnh Công Sơn |
Hãy trở lại những đêm Đà Lạt năm 1964, thời gặp hình ảnh người ca sĩ nhỏ nhắn với chiếc jupe ngắn màu xanh nhạt ở Night Club, rồi Tulipe Rouge, ôi tiếng hát và vóc dáng mãnh mai ấy đã cuốn hút chúng tôi biết bao, nhất là những đêm cuối tuần ngoài trời đầy sương lạnh. Tôi đã nói với Sơn không còn giọng hát nào hay hơn, hát rõ câu chữ như nhã từng lời buồn thánh (nhớ là khi qua Paris gần đây, ngày nào trong bửa ăn, Bạch Thái Quốc cũng cho tôi nghe Billie Holiday hát, ôi những bài blues mê hoặc lòng người, làm nhớ lại những lời ru của Sơn qua giọng ca Khánh Ly…) Và chúng tôi đã làm quen được người nữ ca sĩ của Đà Lạt từ năm ấy, để năm sau khi bày tranh, Khánh Ly đã là bóng dáng đẹp nhất trong lòng bạn bè…“Nguyễn đã gặp các bạn Đinh Cường và Trịnh Công Sơn rồi Khánh Ly và bao nhiêu người nữa. Giáng Sinh, kéo nhau đi uống bia, rồi về đàn hát ở studio Đinh Cuờng trên đường Rose. Có đêm uống rượu ở kiosque Dì Ba, hay vào Night Club dưới chân Đài phát thanh nghe Khánh Ly hát …” (Giáng Sinh và những đống lửa trong đêm mùa đông - Nguyễn Xuân Thiệp - tuần báo Trẻ, Dallas , số ngày 23.12.2010)
Sài Gòn 1967
…“Bởi định mệnh nên đến năm 1967, như một sự tình cờ, Khánh Ly gặp lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa dòng người đi lại trên đường Lê thánh Tôn, Sài Gòn, vào một buổi chiều êm ả. Từ một đêm mưa của Đà Lạt đến một buổi chiều trên đường phố Sái Gòn, tất cả đã bắt đầu. Ngay chiều ấy, trên nền gạch đổ nát có một quán lá sơ sài được dựng lên với cái tên là Quán Văn. Ca sĩ Khánh Ly bắt đầu hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại đây...” (Khánh Ly và Nhóm Bạn –website Khánh Ly) Quán Văn, một thời làm sao quên của những người bạn ăn dầm nằm dề ở đó: hai anh em Hoàng Xuân Sơn –Hoàng Xuân Giang, thời này Hoàng Xuân Sơn thường đệm ghita cho Khánh Ly hát.
Hoàng Ngọc Tuấn, Ngô Vương Toại, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly…đã đi vào truyện ngắn Ở một nơi ai cũng quen nhau của Hoàng Ngọc Tuấn: …“Bọn con trai nằm ngủ trên chiếu, chiếc ghế bố duy nhất trong căn phòng được dành cho Lệ Mai (1), nàng mặc một bộ áo pyjama đàn ông rộng thùng thình. Và khi cái gáy của nàng đã đặt trên gối, mái tóc xổ tung, khuôn mặt không son phấn, đôi môi và đôi mắt bình yên khép kín. Nàng nằm đó, nhỏ nhoi và bình thường như một thiếu nữ còn êm ấm với mẹ cha trong gia đình, nhưng trên vầng trán của nàng đã hằn rõ một vài nếp nhăn phiền muộn, dấu hiệu của những người sớm cô độc bước vào cuộc đời. Khi giấc ngủ đến với nàng, có người đã nhìn thấy tiếng cười thơ dại và những vết nhăn trên vầng trán cuả nàng cùng một lúc chan hoà với nhau thành một hình ảnh đẹp. Có người đã nghĩ rằng nàng như một nữ thánh. Ban ngày Lệ Mai nghịch ngợm như một con chim rừng xanh, nhưng ban đêm, đôi khi nàng có những giọt lệ âm thầm…” (OMNACQN, trang 45, Hoà Bình xuất bản,Virginia 2007). Hoàng ngọc Tuấn có làm bài thơ hiếm quý (thời ấy, tôi có làm đôi ba bài thơ, tiếc thay thơ không chịu gắn bó với tôi mãi mãi…Nhật ký - Thời Tập trang 54) tình cờ vừa đọc lại:
Nàng ngồi hát bàng hoàng
Bài ca đớn đau
Trên quan tài tình nhân
Cánh chim nào từ núi lạ
Đã mang tay ngà ra khơi chưa
Tôi ngồi đây thắp ngọn lửa hồng
Ao ước nàng hoá thân vành khuyên bé bỏng
Mỗi đêm tóc xoã môi phai
Bàn chân trần mướt xanh trên cát
Hơi thở mẩu thuốc tàn
Mà giọt lệ không bao giờ rơi
Âm thanh như đêm
Xoá nhoà linh hồn cũ
Môi xin câm cho khỏi vỡ tan
Ôi sao em làm thân đàn bà một đời không sân ga dừng lại
Còi tàu khuya thúc hối khởi hành
Tiếng ca nào và khúc nhạc thầm
Hát trong bếp lửa ấm hong môi
Đêm mùa đông xa nhà
Đêm chua xót dấu vết tình yêu trên môi khô
Người đừng bao giờ nói đừng bao giờ nói
Vì giấc mơ là cánh chim sa mạc bay mù
Khi thành lời.
(Nhật ký, Thời Tập. Tuyển tập nhà văn trẻ
trang 52, phát hành 6.74, chủ trương: Viên Linh)
Khánh Ly, sơn dầu trên giấy 18 x24 in, Đinh Cường |
California 1989
Khánh Ly, người bạn chân tình, làm sao tôi quên những tháng đầu tiên mới đến Mỹ, năm 1989, chị đã gởi vé máy bay cho tôi từ Utah về thăm bạn bè ở California, có Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyên Khai, vợ chồng Nguyễn Thị Hợp -Nguyễn Đồng ra đón ở sân bay John Wayne …và Nghiêu Đề đã lái xe từ San Diego lên thăm …cho tôi tin tưởng hơn là sẽ lái xe được, vì Nghiêu Đề còn vụng về hơn tôi….
Năm 1992 gặp tại Montréal, Canada khi cùng qua thăm Sơn, ngồi nơi căn phòng ăn nhà người em gái Sơn, Trịnh Vĩnh Tâm–Hoàng Tá Thích, Sơn tập cho Khánh Ly hát, Khánh Ly hay lấy que tre ngắn thay trâm cài tóc…Chị là người bạn có duyên với những cuộc bày tranh của tôi, từ năm 1965 Đà Lạt rồi năm 1972 tại Hội Việt Mỹ Huế, 1974 tại Trung tâm Văn hoá Pháp Sài Gòn… cho đến tháng giêng năm 2008, là cuộc gặp gỡ đầy kỷ niệm: triển lãm tranh Đinh Cuờng và Nguyễn Đình Thuần bên cạnh một chương trình ca nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly với sự góp mặt của thi sĩ Hoàng Xuân Sơn từ Canada qua do bác sĩ Hồ Phan Hà và nhóm bạn tổ chức tại Việt Art Gallery, Houston –Texas, một đêm thật đẹp và cảm động …Khánh Ly đã nhiệt tình giới thiệu phòng tranh cùng người thưởng ngoạn, cũng như năm xưa Đà Lạt đã cùng Trịnh Công Sơn làm cho buổi khai mạc thêm ấm cúng, sóng sánh những ly rượu vang đầy thân yêu của bạn bè, không bao giờ quên…Cho tôi thắp nén nhang chiều nay, chiều giáp tết, để nhớ lại từng khuôn mặt thân quý không còn nữa: Tôn Nữ Kim Phượng, Christian Cauro, Đỗ Long Vân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Ngọc Tuấn với lời ghi tôi nhớ mãi: “Từ đau đớn và truân chuyên, tôi gởi đến mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa”
Cũng như: Khánh Ly …đời mãi hát …hát cho đời, cho người-hát với người, cùng người …mãi hát …(Khánh Ly và nhóm bạn – website KL).
CD mới nhất cuả chị “Nụ cười trăm năm” gồm 12 lời ca thơ của Trần Dạ Từ làm trong trại cải tạo Gia Trung sẽ ra mắt vào ngày 13.3.2011 tại Quận Cam. Khánh Ly viết văn hay, nói giỏi (đừng nói nhiều ), là ca sĩ-nghệ sĩ xứng đáng được ngợi ca cùng với những giọng ca hàng đầu của miền Nam Việt Nam như Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thuý, Hà Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao, Lê Uyên, Khánh Hà…Riêng với nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều ý kiến cho rằng nghe Khánh Ly hát là thấm nhất. Thật vây, chị có đủ tình thân-từ thời thanh xuân, qua bao truân chuyên của đời sống, cả một thời tan tác, đau thương của chiến tranh, chia sẻ đựợc những lời ca Sơn viết…Riêng trong tôi khi nhớ đến chị là cứ nghe như vang lên Nguời nằm co như loài thú khi mùa đông về. Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình. Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm. Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù …(Phúc âm buồn 1965 in trong
Ca khúc Trịnh Công Sơn, An Tiêm xuất bản 1967)
Trong sương tuyết trắng trời chiều nay, tình cờ đọc được bài thơ trên báo Xuân (2), tôi cũng như nhìn thấy lại bóng dáng của hai người bạn, Sơn và Mai của Đà Lạt một thời xa xưa, một thời mộng mị …trời xanh trên mái nhà thờ.
Virginia, 2.2011
Đinh Cường
(1) Khánh Ly sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945, tên thật là Nguyễn thị Lệ Mai. Hiện cư ngụ tại Cerritos California. Phu quân của Khánh Ly là cựu ký giả, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan. Khánh Ly có 4 người con, 2 trai 2 gái, đều đã trưởng thành.
(2) CON TÀU NGÀY ẤY
chúng tôi ba người Huế
Nhìn nhau
Im lặng
Muà hạ đang ngoài kia
Ném lửa hàng long não
Dòng sông đang ngoài kia
Trong xanh ảo
Lần đầu, chẳng ngờ lần duy nhất
Gặp Trịnh Công Sơn
Dáng hao gầy
Nhà ai Khánh Ly hát
Thảng thốt trời xanh trên mái nhà thờ
Bữa ấy
Tôi kịp nói trong tiếng còi tàu
Nhạc Trịnh
Nhạc của thiên đàng
Lời Trịnh
Đau đáu trần gian
Một mình tôi lên con tàu chợ
Chưa quên
Con tàu ngày ấy nhả nhiều khói quá
NGUYỄN XUÂN THÂM
(Văn Nghệ, Tết Tân Mão, Hội nhà văn Việt Nam )
(3) Ghi chú:
Jupe: váy
Alliance francaise de Dalat: Hội văn hoá Pháp tại Đà Lạt
Catalogue: danh mục
dédié à Tuyết Nhung: đề tặng Tuyết Nhung
Các thao tác trên Tài liệu