Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Oan khiên nực cười: Giải Khăn Sô Cho Huế và phim “Ðất Khổ”

Oan khiên nực cười: Giải Khăn Sô Cho Huế và phim “Ðất Khổ”

- Webmaster cập nhật lần cuối 18/04/2008 18:55
Nguyễn Xuân Nghĩa. damau.org, 08.02.2008


Hình từ trái: 1. Bìa sách mới Giải Khăn Sô Cho Huế lần đầu được ấn hành tại hải ngoại. 2. Cố đạo diễn Hà Thúc Cần; 3. Nhà sản xuất Nguyễn Bá Hùng hiện sống ở Paris; 3. Hình bìa DVD phim Đất Khổ với cờ đỏ sao vàng; Và 4. Bìa DVD vừa được thay bằng nền cờ vàng và bản đồ VN, sau khi bài viết về phim Đất Khổ của Đinh Từ Bích Thuý được phổ biến trên tạp chí văn chương Da Màu và báo xuân Việt Báo.



Phần Tóm Tắt của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (chủ biên Báo Xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008

Báo Xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008 trong phần tưởng niệm 40 Năm Tết Mậu Thân có loạt bài "Ngậm Ngùi Huế Mậu Thân, Mỉa Mai Lịch Sử" đề cập tới việc sách "Giải Khăn Sô Cho Huế" cuốn sách viết về Huế Mậu Thân, bị chế độ cộng sản mang trưng bầy tại "Nhà Triển Lãm Tội ác Mỹ Ngụy", tác giả thì cả vợ chồng lẫn con cái liên tiếp bị cầm tù. Trong khi ấy, ngay tại Hoa Kỳ này, tháng 5 năm 2007, phim "Đất Khổ" (cuốn phim đặc biệt về Huế Mậu Thân, dựng theo một phần "Giải Khăn Sô Cho Huế" và do chính tác giả Nhã Ca viết toàn bộ đối thoại) lại được công ty sản xuất phim DVD Remis, LLC và hãng Remis ra thành DVD mang tựa đề kiểu Mỹ "DAT KHO - Land of Sorrows." với bao phim trên nền... cờ đỏ sao vàng. Sau khi báo xuân phát hành, có tin công ty Mỹ Remis, LLC đã nhanh chóng thay thế cờ đỏ bằng nền cờ vàng.

Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân trong Giai phẩm Việt Báo Xuân Mậu Tý vừa xuất bản bỗng soi ra nhiều chuyện bất ngờ từ một cuốn phim đã bị lãng quên là phim "Đất Khổ".

Số báo Xuân Việt Báo nhắc tới "Giải khăn sô cho Huế" của Nhã Ca và cuốn phim "Đất Khổ" được dựng lên một phần từ cuốn sách, do Hà Thúc Cần làm đạo diễn, Nguyễn Bá Hùng sản xuất, Nhã Ca viết đối thoại, với các diễn viên như Kim Cương, Bích Hợp, Lê Thương, Trịnh Công Sơn, Vân Quỳnh v.v... Đinh Từ Bích Tháy, giám đốc một Film Festival tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, là người nêu vấn đề trong bài "Phim Đất Khổ, một tạo tác lạ kỳ", và nối tiếp, chủ biên tờ báo Xuân đã tìm lại và ghi xuống những kỷ niệm và hình ảnh của một số người trong cuộc. Đây là một tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ được coi là tinh hoa của miền Nam, về một biến cố đau thương của đất nước, với cái nhìn rất nhân bản...

Nỗi ngậm ngùi của mọi người là khi thấy cuốn sách "Giải khăn sô cho Huế" bị cộng sản trưng bày trong "Nhà Triển Lãm Tội ác Mỹ Ngụy", cuốn phim Đất Khổ xưa kia bị cấm chiếu tại Sàigòn nay tái xuất hiện tại Hoa Kỳ, với lá cờ đỏ sao vàng trên bìa.

Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca khi thành phim Đất Khổ bị cắm cờ oan khiên đến hai lần!

Ngay sau khi phát hành, tờ báo Xuân được "Fedex" qua Paris để trao tận tay ông Nguyễn Bá Hùng, cùng với cuốn phim ông đã bỏ tiền sản xuất mà chưa hề được xem trọn vẹn, và cũng chẳng thu lại một đồng. Khi ấy chúng ta lại khám phá ra một chuyện ly kỳ khác về "Đất Khổ".

Nhà sản xuất cuốn phim lặng lẽ ngồi xem tác phẩm và tờ báo rồi gọi qua California để cám ơn Việt Báo và nói chuyện:

Năm ấy, doanh gia Nguyễn Bá Hùng đang ở Paris và tài trợ việc thực hiện cuốn phim vì thấy đó là một việc phải làm. Tại Việt Nam, sau khi Hà Thúc Cần quay xong tác phẩm từ mùa Thu năm 1971 qua đầu năm 1972 thì ông gửi bộ phim qua Nhật để rửa. Kết quả là một thất bại lớn về kỹ thuật. Hà Thúc Cần lại gọi qua nhà sản xuất đang ở bên Pháp để cầu cứu. Tại Paris, ông Hùng liên lạc với các phim trường Pháp để tìm cách giải quyết vấn đề: hãy gửi phim qua rửa tại Pháp!

Đấy cũng là lý do vì sao tấm bích chương quảng cáo cuốn phim lại là tiếng Pháp!

Ngẫm lại toàn chuyện, ông Nguyễn Bá Hùng cười thành tiếng qua điện thoại. Đất Khổ có định mệnh cũng lạ: thực hiện ở trong Nam, chạy qua Nhật qua Tây rồi nay lại tái sinh trên đất Mỹ với cái bìa là... cờ đỏ sao vàng. Ngần ấy quốc gia đều có liên hệ đến lịch sử cận đại của Việt Nam!

Không nực cười sao?

Từ một thế giới thu hẹp của phim Đất Khổ mà suy ra chuyện lớn của đất nước, nếu Hoa Kỳ ngày nay có bắt tay với lá cờ đỏ để tính chuyện làm ăn thì cũng là... hợp quy luật! Cái khác ở đây là tư bản chủ nghĩa làm ăn cũng có lề lối quy củ hơn xã hội chủ nghĩa. Và những người ngây thơ nhất của họ cũng hiểu ra lẽ phải quấy, thấy sai thì sửa, miễn là được biết là sai.

Vì, như Việt Báo số ra ngày đầu tuần đã loan báo tin mới nhất: sau khi vấn đề được nêu ra trong báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý và trên tạp chí văn chương Da Màu trên mạng internet, cuốn phim đã được khẩn cấp đổi bìa!
...
(Trích Việt Báo Daily News, ngày Thứ Tư 30-1-2008)

+ + +


Sau đây là bài viết về Giải Khăn Sô Cho Huế, 40 Năm Sau Huế Tết Mậu Thân, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008.



Ngậm Ngùi Huế Mậu Thân

Kỷ Niệm với Đất Khổ


Trước giờ quay cảnh chính trong "Giải Khăn Sô Cho Huế" tại Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế: Từ trái, Trịnh Công Sơn ngồi trước Vân Quỳnh, Bích Hợp; Hà Thúc Cần (đội mũ), phía sau là Xuân Hà và Lưu Nguyễn Đạt. Người đứng: nhạc sĩ Lê Thương trong vai Linh mục Phục; đứng kế là Kim Cương, vai bà mẹ điên hát ru xác con.


Cảnh quay phim tại Huế 1971, đoàn làm phim nghỉ trưa bên đường.
Từ trái: Trịnh Công Sơn, Trần Lê Nguyễn (đang ăn), Nhã Ca, Minh Trang, Lê Trọng Nguyễn. Góc cuối, đạo diễn Hà Thúc Cần (mũ, kính đen)...


Nữ Nghệ Sĩ Vân Quỳnh kể kỷ niệm đóng phim

Năm đó, Vân Quỳnh còn rất bé. Cùng với người chị lớn là Quỳnh Giao, ba chị em tên Vân, con gái Dương Thiệu Tước và Minh Trang, là Vân Quỳnh, Vân Hoà và Vân Khanh đã.... bất kể tuổi thơ bước lên sân khấu Ritz của Joe Marcel tại Sàigon. Ban hợp ca "Bốn Phương" xuất hiện như vậy.

Người thường xuyên có mặt trong các buổi trình diễn ấy của bốn cô con gái là Minh Trang. Trong các nghệ sĩ trẻ ưa lai vãng nơi đó với Joe Marcel chính là Nam Lộc, một MC nổi tiếng ngày nay tại quận Cam.

Một hôm, khán giả ngồi dưới có Hà Thúc Cần và Lê Trọng Nguyễn.

Cả hai đang đầy ắp trong đầu những ý kiến về một cuốn phim sẽ dựng từ hai tác phẩm của Nhã Ca về Huế thời Mậu Thân. Và nghe rồi, Hà Thúc Cần đòi đi nghe lại, nghe lại mãi... Sau này mới nhờ Lê Trọng Nguyễn cùng khăn áo đi tới gặp Minh Trang vì một lý do rất long trọng mà nghiêm trọng: xin phép cho Vân Quỳnh đóng phim Đất Khổ!

Vai cô gái út trong nhà, cặp kè ông anh ruột nhạc sĩ do Trịnh Công Sơn đóng. Và tai họa đổ xuống đầu họ cùng với vụ Tổng tấn công Mậu Thân tại Huế.

Điều bất ngờ là Vân Quỳnh đóng rất đạt! Đó là nhận xét chung của mọi người, nhất là của chính đạo diễn Hà Thúc Cần. Có lẽ vì vậy mà sau này Vân Quỳnh là bà Hà Thúc Cần!

Năm đó là 1971, họ quay phim mất một tháng tại Huế và hai tháng tại Sàigòn, rồi biên tập và ghi âm thêm mấy tháng nữa, tràn qua mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nhờ vậy mà có cảnh chạy loạn Huế có thêm cảnh chiến tranh thứ thiệt trên "đại lộ kinh hoàng" do Hà Thúc Cần đích thân ra mặt trận thu hình, cực kỳ sống động.

Bích Hợp đóng vai người mẹ, Trịnh Công Sơn là con trai lớn. Nhưng, mẹ nói tiếng Bắc, con trai lại rặt giọng Huế! Coi bộ không xuôi. Duy Trác được mời tới để "đắp" giọng vào đó! Khi Trịnh Công Sơn nói, thì đấy là tiếng Duy Trác, có khi giờ này luật sư Khuất Duy Trác cũng đã quên. Trong phim, nếu tinh ý, người ta còn nghe thấy tiếng hát Trịnh Vĩnh Trinh, em út của Trịnh Công Sơn, trước khi nàng nổi danh ca sĩ sau này.

ý tưởng về truyện phim là từ Hà Thúc Như Hỷ. Phân cảnh kỹ thuật do Hà Thúc Cần. Nhưng kịch bản phim và đối thoại hoàn toàn là chữ nghĩa Nhã Ca. Chuyện Mậu Thân dựa trên "Giải Khăn Sô Cho Huế" và khai triển thêm từ "Tình Ca Trong Lửa Đỏ" (khi công quân chiếm nhà, người phải đi trốn, thay vì chàng sĩ quan VNCH trong truyện, trở thành một chàng Mỹ trong phim). Không thể nào bắt trật được cái khí hậu bi thảm của Huế trong mùa chết chóc.

Cảnh chạy loạn được mô tả trong Giải Khăn Sô Cho Huế -từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế của cha Phục tới Cung An Định của Từ Cung Thái Hậu mẹ vua Bảo Đại- trở thành những hình ảnh sống động, với Bích Hợp, đệ nhất đào thương sân khấu Bắc Kỳ và Kim Cương, đệ nhất đào thương sân khấu miền Nam. Trong phim, Kim Cương xuất hiện có vài phút chớp nhoáng đã choáng cả màn ảnh qua vai người đàn bà điên dại ôm tử thi của đứa con mà cứ tưởng nó còn sống. Nhà giáo, nhạc sĩ lão thành và nghệ sĩ siêu hạng là Lê Thương thủ vai linh mục Phục, xuất thần! Trong một cảnh khác, còn có cả nhà văn Sơn Nam đóng vai tay chơi buôn đồ cổ. Khó có ai hơn. Thêm cả kịch tác gia Trần Lê Nguyễn, tác giả "Bão Thời Đại". Nói chung, các nghệ sĩ tài tử đều đóng rất hay, và đấy là nhờ con mắt đạo diễn của Hà Thúc Cần.

Lê Thương, Hà Thúc Cần, Trịnh Công Sơn, Lê Trọng Nguyễn, Trần Lê Nguyễn... nay đã thành người thiên cổ. Hơn ba chục năm rồi còn gì.

Nhớ lại như vậy, Đất Khổ là tác phẩm thật sự tổng hợp một số tinh hoa miền Nam thời ấy để kể lại nỗi day dứt của người dân trước giấc mơ hoà bình và thực tại sắt máu. Sắt máu nhất là thái độ và hành động của cán binh Cộng sản tại Huế. Nhưng khi hoàn thành, nội dung oán thán chiến tranh khiến tác phẩm bị đánh giá là phản chiến. Và bị Chính quyền Sàigòn cấm chiếu! Mặc dù như vậy, sau 1975, nó vẫn có mặt trong Viện Bảo tàng Tội ác Chiến tranh Mỹ-Ngụy của Cộng sản. Như một tang chứng! Oái oăm.

Nhiều người trong cuộc có lẽ đã không được xem phim này, nên chẳng còn nhớ gì. Nhưng tác phẩm ấy thực ra vẫn còn sống! Nó đang được bán trên Internet. Hãy vào Amazon.com thì có.

Từ miền Đông Hoa Kỳ, Dương Hồng Phong, con trai Dương Thiệu Tước và Minh Trang, đã mua được phim này để gửi tặng Vân Quỳnh tại miền Tây. Người sĩ quan từng bị tù cải tạo và phải vượt biên cùng mẹ lại thấy ngạc nhiên: cuốn phim do em gái mình đóng, với sự đồng ý và giám sát của mẹ, lại "tái sinh" tại Mỹ, với mẫu cờ đỏ sao vàng ngoài bìa!

Sẽ thiếu nếu không kể tới nguồn tài chính: một doanh gia có đủ tiền tài, nhất là sự ân cần với các nghệ sĩ, đã bỏ tiền thực hiện bộ phim. Trong phim có dòng chữ "Une production de Nguyễn Bá Hùng". Thời làm phim, ông Hùng đã an cư từ lâu tại Pháp. Hiện ông vẫn sống tại Paris trong một quán ăn Việt Nam thuộc loại thanh lịch nhất, có hầm rượu rất nổi tiếng. ông đã cho bộ phim - và tất cả - vào một góc ký ức, như chuyện tiền kiếp...
Chỉ vì sau cơn tao loạn, một người Mỹ đã mua lại cuốn phim và gần đây mới cho phổ biến. Với trình độ văn hoá điển hình của người Mỹ khi làm và nói về Việt Nam, họ chỉ hiểu đến thế mà thôi! Nên Đất Khổ bị cắm cờ oan khiên đến hai lần.

Bốn mươi năm tưởng nhớ biến cố Huế Tết Mậu Thân, có thể coi phim, đọc sách. "Giải Khăn Sô Cho Huế" lần đầu chính thức ấn hành tại hải ngoại, sẽ được phát hành từ tháng 2-2008. Sách 640 trang, bìa cứng. Ngoài bút ký chạy loạn, còn gom tất cả chữ nghĩa Nhã Ca viết về Huế Tết Mậu Thân, gồm truyện dài "Tình Ca Trong Lửa Đỏ" và nhiều bút ký, truyện ngắn trong tập truyện "Tình Ca cho Huế Đổ Nát." Phim thì đã thành DVD mang tựa đề kiểu Mỹ "DAT KHO" [....]

Có thể xem lại Đất Khổ và gửi lại cho những người đã thực hiện tác phẩm này một lời cảm tạ bùi ngùi khi cùng nhớ về Huế, đúng bốn mươi năm trước...

Nguyễn Xuân Nghĩa
damau.org, 08.02.2008


Các thao tác trên Tài liệu