Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và những khúc tình ca một thời

Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và những khúc tình ca một thời

- Webmaster cập nhật lần cuối 06/11/2009 21:10
Văn Ngọc, Diễn Đàn, số 110, tháng 9/2001.


Hơn 35 năm đã trôi qua, giờ đây nghe lại một số bài tình ca phản chiến của Trịnh Công Sơn, qua giọng hát Khánh Ly, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động.

Những bài hát đưa tôi trở về một thời quá khứ chưa xa lắm, về giữa lòng đô thị miền Nam những năm 60-70, với tiếng đại bác đêm đêm vọng về, với những hoang mang, tuyệt vọng, những khát khao, hy vọng, của cả một thế hệ trẻ.

Giờ đây, nghe lại những bài hát thời Quán Văn, Sài Gòn (1966-67), thời Trịnh Công Sơn mới 27-28 tuổi, và Khánh Ly mới 21-22, thời mà cả người hát lẫn người nghe cùng hãy còn trẻ, tôi chợt cảm nhận được cái giá trị đích thực của chúng.

Hiện tượng Trịnh Công Sơn, hay đúng hơn, những ca khúc của Trịnh Công Sơn, chỉ có thể giải thích được bởi những nguyên nhân lịch sử và xã hội : không có cái thực tế đau xót của chiến tranh và hận thù, không có cái không khí hoang mang bao trùm lên cả một giới trẻ thành thị, không có một sự đồng tình, đồng cảm nào đó giữa người hát và người nghe, thì không thể nào có được những bài hát ấy. Những tiếng hát đã cất lên giữa một trời khói lửa, tuy không “ át được tiếng bom ”, song cũng đã nói lên được những suy tư của con người về chiến tranh, về quê hương, về ý nghĩa của sự sống, sự chết, và về tình yêu như một giá trị cần được bảo vệ, nếu không là một cứu cánh. Đó là một phản ứng tự nhiên của bản năng tồn tại, và chính cái sức phản kháng mãnh liệt đó đã truyền cái hơi của nó cho nghệ thuật.


Tôi cũng chợt hiểu rằng, một bài hát chỉ có thể làm cho người nghe, cũng như người hát, say mê, xúc động thực sự ở vào cái thời điểm lịch sử, khi nó chuyên chở một nguyện vọng, một niềm tin, hoặc một thông điệp nào đó.

Tôi cũng chợt hiểu rằng, một bài hát chỉ có thể làm cho người nghe, cũng như người hát, say mê, xúc động thực sự ở vào cái thời điểm lịch sử, khi nó chuyên chở một nguyện vọng, một niềm tin, hoặc một thông điệp nào đó. Cái thời của một bài hát cũng là cái thời điểm thăng hoa của nó, khi nó được đông đảo quần chúng đương thời yêu thích và hát lên với tất cả niềm say sưa, tin tưởng. Đó gần như là một quy luật trong nghệ thuật, và cũng là cái số phận chung của những bài hát, trong bất cứ nền văn hoá nào, dù cho đó là những bài hát nổi tiếng nhất một thời.

Tuy nhiên, khi vai trò lịch sử của chúng đã chấm dứt, có những bài hát vẫn còn được người ta yêu thích trong một thời gian dài, vì nhiều lý do khác nhau : hoặc vì về hình thức, chúng vẫn còn giá trị nghệ thuật, hoặc vì về nội dung, chúng chưa bị lỗi thời, hoặc vì chúng gợi nhắc đến một cái không khí nào đó, một thời kỳ nào đó, mà người ta chưa muốn quên đi.

Đó là trường hợp của một số bài hát của Trịnh Công Sơn.

Hơn 35 năm sau, nếu những người trẻ tuổi thời đó bây giờ vẫn còn có thể nghe lại, hát lại, và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của một số bài hát trữ tình, lãng mạn, của Trịnh Công Sơn, như : Ướt Mi, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, hay Nhìn Những Mùa Thu Đi, v.v., thì đối với nhiều bài ca phản chiến trong Ca Khúc Da Vàng, họ thấy như đã có cả một khoảng cách.

Tuy nhiên, có những bài ca phản chiến đã thoát được ra khỏi thông lệ này, như bài Tình Ca Của Người Mất Trí, hay bài Xin Cho Tôi, và ở một mức độ khác, Ca Dao Mẹ, Đại Bác Ru đêm, v.v.


Bài Tình Ca Của Người Mất Trí là một trong những bài tình ca phản chiến của Trịnh Công Sơn mà tôi cho là hay nhất...

Bài Tình Ca Của Người Mất Trí là một trong những bài tình ca phản chiến của Trịnh Công Sơn mà tôi cho là hay nhất, cả về cảm hứng, bố cục, giai điệu, lời ca và đặc biệt là nó có một khí thế, một sức truyền cảm ghê gớm, qua tiếng hát Khánh Ly. Cả bài hát toàn là những lời của một người “ mất trí ”, có người yêu chết trận ở khắp mọi chiến trường, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Những hình ảnh chết chóc rùng rợn, khủng khiếp, được gợi lên một cách lạnh lùng, câu chữ được tiết kiệm đến mức tối đa. Hình ảnh “ người yêu chết trận ” nói lên ba ý chính trong dòng nhạc phản chiến của tác giả, là : lên án chiến tranh, khơi dậy lòng nhân đạo, ca ngợi và bảo vệ tình yêu. Tình yêu chính là một vế quan trọng trong dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, vì đối tượng của nó chủ yếu là giới trẻ, và giới trẻ thời ấy, hay một thời nào khác, ở nơi ấy, hay một nơi nào khác, dù trong tình huống nào, cũng vẫn nhạy cảm với chuyện yêu đương, vì chuyện yêu đương mới thật sự là chuyện của họ.

Những ý tưởng về quê hương, về chiến tranh, về thân phận con người, về tình yêu, đôi khi được thể hiện tách riêng nhau trong từng bài hát, có những bài chỉ thuần tuý là những bản tình ca lãng mạn (ướt Mi, Diễm Xưa, Tuổi Đá Buồn, Tình Xa, Nhìn Những Mùa Thu Đi, v.v.) ; có những bài lại chỉ nặng về ý tưởng đấu tranh (phần lớn các bài trong tập Ca Khúc Da Vàng). Đôi khi, hiếm hoi hơn, nhiều ý tưởng hoà quyện với nhau trong cùng một bài hát, như trong các bài Tình Ca Của Người Mất Trí, Xin Cho Tôi, v.v.

Về mặt kỹ thuật, bài Tình Ca Của Người Mất Trí cũng là bài hát khó hát nhất mà Khánh Ly đã hát rất đạt ở nhiều thời điểm, nhưng có lẽ lần hát ở Quán Văn năm 1967 là lần đạt nhất, mặc dầu thời đó điều kiện kỹ thuật truyền thanh và thu thanh còn rất thô sơ. Bài hát này, cũng như bài Xin Cho Tôi, phải nghe Khánh Ly hát ở đó, vào cái thời điểm đó, mới thấy thật là thấm thía :

Tôi có người yêu / chết trận Plei-me
Tôi có người yêu / ở chiến khu Đ
Chết trận Đồng Xoài / chết ngoài Hà Nội
Chết vội vàng / dọc theo biên giới
Tôi có người yêu / chết trận Chu Prong
Tôi có người yêu / bỏ xác trôi sông
Chết ngoài ruộng đồng / chết rừng mịt mùng
Chết lạnh lùng / mình cháy như than (...)

(Trịnh Công Sơn, Tình Ca Của Người Mất Trí)

Một số bài tình ca hay nhất của Trịnh Công Sơn đã được Khánh Ly trình diễn ở buổi ca nhạc này : Diễm Xưa, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Gọi Tên Bốn Mùa, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Còn Tuổi Nào Cho Em, Tuổi Đá Buồn, v.v. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là hai bài tình ca phản chiến : Tình Ca Của Người Mất Trí và Xin Cho Tôi, qua đó Khánh Ly bộc lộ rõ khả năng giọng hát của mình, một giọng hát có thể xuống rất thấp, rất trầm, mà cũng có thể lên rất cao, một giọng hát khoẻ, dài hơi, giàu nhạc tính. Khánh Ly bao giờ cũng hát đúng giọng, đúng nhịp, ngân, láy, đúng lúc, cách phát âm tiếng Việt chuẩn xác - càng về sau càng già giặn thêm - một giọng hát, ngay từ thời ấy, tuy vẫn còn nguyên cái chất tươi mát, hồn nhiên của tuổi đôi mươi, nhưng dường như đã mang nặng sầu đau ; một giọng hát vừa có thể lẳng lơ một cách đáng yêu trong các bản tình ca lãng mạn, lại vừa có thể phẫn nộ, bi ai, trong các bài ca phản chiến :

(...) Xin cho tôi / đến tận nụ cười
Cho tôi quên / một nấm mồ tươi
(...) Xin cho đêm / không có đạn bay
(...) Xin cho tôi / ra khỏi cuộc đời

Bài Nhìn Những Mùa Thu Đi do Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cùng hát, cũng là một sáng tạo tuyệt vời khác ! ít khi nào tôi được nghe một bài hát hai giọng, một nam một nữ, hay như thế :

Nhìn những mùa thu đi / Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song / Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (...)

(Trịnh Công Sơn, Nhìn những mùa thu đi)

Qua bài hát đôi này, người ta càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của tiếng hát Khánh Ly trong sự diễn đạt những bản tình ca của Trịnh Công Sơn. Không phải tình cờ mà Trịnh Công Sơn thường hay để Khánh Ly hát những bài hát trữ tình này. Tiếng hát, giọng hát và cách hát của Khánh Ly hoàn toàn ăn khớp với những bài tình ca đó : vừa đủ gợi cảm, vừa đủ buồn, mà vẫn không sướt mướt. Khi hát đôi, nhạc sĩ cũng thường để Khánh Ly hát giọng chính và hát gần vào micro, giọng nam chỉ là giọng phụ, lui hẳn về phía sau. Đặc biệt trong bài Nhìn Những Mùa Thu Đi, người ta có thể ghi nhận được cái tài luyến láy rất tự nhiên, đôi khi rất “ điệu ”, nhưng bao giờ cũng rất kín đáo của Khánh Ly. Một vài nét điểm xuyết nhẹ nhàng, đây đó, đủ đem lại cho bài hát cái chất lãng mạn, thậm chí lẳng lơ cần thiết.

Nhiều người nghĩ rằng, vào thời kỳ ấy, Trịnh Công Sơn đã chỉ sáng tác chủ yếu để cho Khánh Ly hát (chính nhạc sĩ cũng đã công nhận điều này, trong một cuộc phỏng vấn). Có thể nói rằng, Khánh Ly đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp sáng tạo của Trịnh Công Sơn. Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ đã nhờ tiếng hát Khánh Ly mà chinh phục được quần chúng. Bài ướt Mi (1959), tác phẩm đầu tay (hay đầu tiên) nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, do Khánh Ly hát và thu băng lần đầu tiên năm 1964, là một thí dụ. Vào thời đó, nhắc đến ướt Mi, là người ta chỉ nghĩ đến tiếng hát Khánh Ly, và ngược lại. Điều đó thường vẫn xảy ra trong lãnh vực ca nhạc. Trong truyền thống ca nhạc Âu Mỹ, chẳng hạn, khi người ta nhắc đến một bài hát nổi tiếng nào, là người ta thường chỉ nghĩ đến tên người ca sĩ đã làm cho nó nổi tiếng mà thôi, còn tác giả bài hát có khi không được biết đến !


Cái gì đã tạo nên cái chất giọng và cái tài năng của một ca sĩ như Khánh Ly, đúng vào thời điểm nhạc Trịnh Công Sơn ra đời ? ... đó là sự liên tục trong tiếng hát. Các câu chữ cuốn theo nhau, không ngừng nghỉ, cuồn cuộn như một dòng chảy (Từ ướt Mi, Tuổi Đá Buồn, cho đến Tình Xa, v.v.).

Cái gì đã tạo nên cái chất giọng và cái tài năng của một ca sĩ như Khánh Ly, đúng vào thời điểm nhạc Trịnh Công Sơn ra đời ? Điều mà người ta có thể biết chắc được, là trước khi lên Sài Gòn hát với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã từng đi hát phòng trà ở Đà Lạt, và chắc hẳn cô bé Lê Mai (Khánh Ly) đã được học hát từ rất sớm. Bằng chứng là năm 14 tuổi (1959), cô đã được giải nhì trong một cuộc thi tuyển lựa “ Thiếu nhi tài sắc ” do Đài phát thanh Sài Gòn tổ chức. Năm 17 tuổi Khánh Ly bắt đầu đi hát ở các phòng trà. Đến năm 19 tuổi (1964), cô được Trịnh Công Sơn mời về Sài Gòn trình diễn và thu băng cho các hãng đĩa (bài ướt Mi và băng nhạc Sơn Ca). Năm 22 tuổi (1967), Khánh Ly hát ở Quán Văn. Trước đó, cô cũng đã từng đi hát với Trịnh Công Sơn ở các trường đại học. Trước khi gặp Trịnh Công Sơn chắc hẳn Khánh Ly đã có một cá tính khá nổi trội rồi. Đương nhiên, với Trịnh Công Sơn, với cái vốn hát đã có sẵn, Khánh Ly đã học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ. Cái chất giọng đặc biệt của cô ca sĩ hồi hai mươi tuổi ngày càng già giặn thêm, và Khánh Ly ngày càng hát hay hơn, nhất là vào những năm 70. Cả cái phong cách hát rất đặc biệt của Khánh Ly, càng về sau càng được khẳng định rõ ràng hơn. Chỉ cần so sánh bài Tuổi Đá Buồn trong băng nhạc thu ở Quán Văn năm 1967 và các băng thu vào những năm 70 là đủ thấy một sự đổi khác rất lớn. Phong cách hát của Khánh Ly đã dần dần trùng hợp hoàn toàn với cái quan niệm mà Trịnh Công Sơn chủ trương trong nhạc của mình : đó là sự liên tục trong tiếng hát. Các câu chữ cuốn theo nhau, không ngừng nghỉ, cuồn cuộn như một dòng chảy (Từ ướt Mi, Tuổi Đá Buồn, cho đến Tình Xa, v.v.).

Chính điểm này là một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc của các bậc đàn anh thế hệ trước, như Văn Cao, Phạm Duy, v.v. Tôi chỉ xin nêu lên ở đây một vài thí dụ. Khi hát những bài như : Buồn Tàn Thu của Văn Cao (1940), hay Chinh Phụ Ca (1945) của Phạm Duy, người ta không thể không ngâm nga, nhâm nhi, từng câu, từng chữ một, như hát ca trù. Văng vẳng bên tai, tưởng như còn nghe thấy cả tiếng đàn kìm, đàn đáy, hay tiếng trống, tiếng phách nữa ! Trong những bước đầu tìm tòi của nền tân nhạc, dựa vào các điệu ca nhạc dân gian, tôi cho rằng đó là một điểm son rất đáng trân trọng. Sau này, trong các tác phẩm nổi tiếng của Văn Cao như : Thiên Thai (1941), Trương Chi (1941), Suối Mơ (194..?), mặc dầu giai điệu và lời ca rất phong phú, song cách ngắt câu hát, cách ngừng nghỉ, vẫn như gợi nhắc đến một truyền thống ngâm vịnh nào đó :

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên (...)
(Văn Cao, Thiên Thai, 1941)
Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ (...)

(Văn Cao, Trương Chi, 1941)

Trong những bài tình ca của Phạm Duy, người ta cũng nhận xét thấy những đặc điểm này : Khối tình Trương Chi (1945), Quê Nghèo (1948), Tình Ca (1953), v.v. Mãi về sau, Phạm Duy mới thay đổi phong cách trong một vài tác phẩm đơn lẻ : Nha Trang Ngày Về (1969), Trả Lại Em Yêu (1971). Nhìn chung, những ca khúc trữ tình của Văn Cao, và Phạm Duy, vào thời kỳ những năm 40, nói lên một tâm trạng buồn và lãng mạn, đó cũng là cái tâm trạng chung của thanh niên thành thị vào những thập niên ấy ; mặt khác, chúng cũng nói lên một sự hạn chế nào đó trong việc tìm hiểu và khai thác vốn dân ca, đưa dân ca vào tân nhạc. Tuy nhiên, sau này có nhiều thử nghiệm khác, đã đem lại những kết quả ngày càng rõ nét hơn : Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Cô Lái Đò của Nguyễn Đình Phúc (thơ Nguyễn Bính), Những Cô Gái Quan Họ, của Phó Đức Phương, v.v.

Nhưng ta hãy trở lại với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn mới là người đã đem đến một sự đổi mới thực sự cho nhạc tình ca vào những năm 60. Ngay từ tác phẩm đầu tiên ướt Mi (1959), một hơi nhạc, một lời ca, một phong cách trữ tình (lyrisme) hoàn toàn mới mẻ đã ra đời. Sự mới mẻ này không nằm ở trong giai điệu. Nó cũng không nằm ở trong nhịp điệu. Giai điệu trong các bài hát của Trịnh Công Sơn thường khá đơn giản và phần lớn là theo cung thứ (mode mineur), buồn như cái tâm trạng và những lời ca của nhạc sĩ, và tự nó chỉ có một giá trị thẩm mỹ nhất định. Chức năng chính của nó là chuyên chở lời ca, làm tăng thêm nhạc tính của những lời thơ vốn đã giàu chất nhạc rồi.


Cái mới mẻ trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn trước hết là cái quan niệm về lời ca, về chức năng và vai trò của lời ca.

Cái mới mẻ trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn trước hết là cái quan niệm về lời ca, về chức năng và vai trò của lời ca. Lời ca không còn dùng để kể một câu chuyện có đầu có cuối nữa, câu chữ không còn bị gò bó trong chức năng này nữa. Chúng có một đời sống hoàn toàn độc lập, tự do. Chúng có thể gợi lên những hình ảnh đẹp, những ấn tượng đẹp, những ý ngắn, đôi khi đạt tới mức siêu thực, và giữa chúng đôi khi không có một mối quan hệ lô gích nào cả.

Thứ hai, là cái hơi nhạc. Nhạc Trịnh Công Sơn tuy không có những nét đặc thù của nhạc dân gian hay nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng cái hơi nhạc buồn mênh mang, khi phiêu diêu như mây khói, khi cuồn cuộn như nước nguồn ấy, dường như đâu đó vẫn thích hợp với tâm hồn người Việt, vốn vẫn quen với những điệu ru, điệu hò, và một số bài ca tiền chiến. Nó ăn khớp với một tâm trạng buồn và lãng mạn, và lôi cuốn được những thính giả vốn đã có sẵn cái điệu tâm hồn đó ở trong người :

Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang từng ngón tay buồn em mang em mang đi về giáo đường ngày Chủ nhật buồn còn ai còn ai đoá hoa hồng cài lên tóc mây ôi đường phố dài lời du miệt mài ngàn năm ngàn năm ru em nồng nàn ru em nồng nàn (...) (Trịnh Công Sơn, Tuổi Đá Buồn)

Cả hai yếu tố nêu trên : lời ca và hơi nhạc, với những đặc điểm của chúng, tạo nên một phong cách trữ tình phù hợp với cái tâm thức và cái khiếu thẩm mỹ của giới trẻ thời ấy. Phong cách này có cái cơ cấu (mécanisme) của nó. Đó chính là cái cấu trúc của bài hát, cho phép lập lại các câu nhạc, các đoạn nhạc (couplets), với cùng một giai điệu, nhưng với lời khác, trước khi chuyển sang điệp khúc, rồi lại quay trở lại giai điệu lúc ban đầu. Điều này thực ra không có gì mới lạ, người ta vẫn thường gặp cấu trúc này trong nền tân nhạc Âu Mỹ. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn đã sử dụng nó một cách phổ biến : từ Diễm Xưa, đến Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên. Chính cái sự lặp lại, tưởng như đơn điệu ấy, lại làm tăng thêm cái chất trữ tình, lãng mạn, của ca khúc.

Không phải tình cờ mà Trịnh Công Sơn đã chọn giọng hát và phong cách hát của Khánh Ly để diễn đạt những ý tưởng này của mình !


Một câu hỏi vẫn thường được nêu lên là, do đâu mà Trịnh Công Sơn đã tìm ra được cái hơi nhạc đó, cái phong cách trữ tình đó ?

Một câu hỏi vẫn thường được nêu lên là, do đâu mà Trịnh Công Sơn đã tìm ra được cái hơi nhạc đó, cái phong cách trữ tình đó ? Người ta còn nhớ rằng, vào những năm 50, nhiều trào lưu ca nhạc trên thế giới đã như, không hẹn mà gặp, cùng có một cảm hứng, một phản ứng chống lại những lời hát, điệu hát, cách hát cũ : Georges Brassens, Jacques Brel, v.v. (Pháp), Bob Dylan, Joan Baez, v.v. (Mỹ), và họ đã có những ý tưởng trùng hợp với nhau, mặc dầu mỗi ca sĩ, mỗi trào lưu, đều xuất phát từ những truyền thống ca nhạc khác nhau và từ những bối cảnh xã hội khác nhau. Trịnh Công Sơn chắc hẳn cũng đã có một phản ứng tương tự, và chắc hẳn cũng đã từng nghe Brassens, Brel, Bob Dylan, Joan Baez, v.v. Cứ cho rằng đó là một sự tình cờ của lịch sử. Cũng như, một sự tình cờ khác, là vào những năm 60, tiếng hát Khánh Ly, qua những bài tình ca phản chiến của Trịnh Công Sơn, đã cất lên cùng một lúc với tiếng ca phản chiến của Joan Baez ở một chân trời khác !

Trong toàn bộ sáng tác của Trịnh Công Sơn, mảng tình ca chiếm một khối lượng và một cương vị quan trọng. Điều này cũng có nhiều lý do. Trước hết, như đã trình bày ở trên, đề tài về thân phận con người, và về tình yêu không thể nào thiếu được trong dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn thời ấy, mà đối tượng chủ yếu là giới trẻ đang thiếu niềm tin và khao khát yêu đương. Ta hãy nghe Trịnh Công Sơn nói rõ thêm về điểm này : “ Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời.” (Trịnh Công Sơn, Những Bài Ca Không Năm Tháng, NXB Âm Nhạc, 1998).


Thế giới của tình yêu, cũng như thế giới tâm linh, chính là cái môi trường tự nhiên của những tâm hồn nhạy cảm. Những ca khúc nói lên thân phận con người, nói lên tình yêu, đối với anh, là một nguồn cảm hứng vô tận về mặt nghệ thuật.

Đó là cái quan niệm của Trịnh Công Sơn về cuộc đời, về thân phận, và về tình yêu. Song, ngoài cái lý do triết lý đó ra, còn một lý do khác : lý do nghệ thuật. Chủ đề vốn có những khía cạnh đặc biệt hấp dẫn và hợp với sở thích của anh. Thế giới của tình yêu, cũng như thế giới tâm linh, chính là cái môi trường tự nhiên của những tâm hồn nhạy cảm. Những ca khúc nói lên thân phận con người, nói lên tình yêu, đối với anh, là một nguồn cảm hứng vô tận về mặt nghệ thuật. Nó cho phép anh đi sâu vào những ngõ ngách thầm kín nhất của tâm hồn. Có lẽ không lãnh vực nào đã cho phép anh diễn đạt một cách thoải mái, tự do, như lãnh vực này. Những cảm xúc mong manh, mơ hồ, tế nhị nhất, trong cái thế giới kỳ ảo của tình yêu, của tâm hồn, tưởng như khó có thể nói lên được bằng lời nói, đã được diễn đạt bằng những hình ảnh, những câu chữ riêng, mà Trịnh Công Sơn đã không ngần ngại vượt qua những khái niệm thông thường, vượt qua hiện thực, để sáng tạo ra :

Màu nắng hay là màu mắt em (...)
Chiều đã đi vào vườn mắt em (...)

(Trịnh Công Sơn, Nắng Thuỷ Tinh)
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu (...)

(Trịnh Công Sơn, Mưa Hồng)
(...) Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi (...)

(Trịnh Công Sơn, Như Cánh Vạc Bay)
Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng (...)
Mùa xanh lá vội ru em miệt mài (...)

(Trịnh Công Sơn, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao (...)
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa (...)

(Trịnh Công Sơn, Diễm Xưa)
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu (...)

(Trịnh Công Sơn, Còn Tuổi Nào Cho Em)

Đôi khi, câu chữ của Trịnh Công Sơn lại thật là bình thường, giản dị :

(...)Chiều nay còn mưa sao em không lại ?
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau ? Hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau (...)

(Trịnh Công Sơn, Diễm Xưa)

Những hình ảnh, câu chữ của đời thường, thoắt ẩn thoắt hiện trong cùng một bài hát, luôn luôn đưa người ta, từ một trạng thái mộng du, thoát tục nào đó, trở về với cái thực tại gần gũi nhất, thân quen nhất.

Bàn về những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Bửu ý, một nhà văn, bạn của nhạc sĩ, đã phải nhìn nhận : “ đề tài tát không cạn ”. Mà quả thế, chỉ bàn riêng về ca khúc thôi, cũng phải bàn từ nội dung đến hình thức, từ lời ca, đến giai điệu, từ nhạc đến thơ, rồi lại còn phải so sánh với các xu hướng khác trong nền tân nhạc Việt Nam, nói chung. Đấy là chưa kể, gắn liền với những ca khúc ấy, còn một tiếng hát, một giọng hát, mà ít ai quên được, và không thể nào không nói đến, khi đánh giá nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là tiếng hát Khánh Ly.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nói về những tình khúc của Trịnh Công Sơn đã có một câu nhận xét rất đẹp, mà người ta có thể hiểu là một lời khen đối với cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly : “ Qua tiếng hát Khánh Ly sương khói trần gian cứ bay đi, và một chút thiên thu còn mãi...” (Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lời bạt Những Bài Ca Không Năm Tháng, sđd).


Văn Ngọc
Diễn Đàn, số 110, tháng 9/2001

Các thao tác trên Tài liệu