Đêm Trịnh Công Sơn tại Paris
Đêm Trịnh Công Sơn tại Paris,
với
Khánh Ly, Đức Tuấn, Thanh Hải,
Hồng Anh, và dàn đồng ca J-Vox
Mai Ninh, đại diện hội văn
hoá Trịnh Công Sơn chào mừng khán thính giả và các nghệ sĩ.
Ảnh Điệp Giang
Đêm ca nhạc Mười năm với Trịnh Công Sơn đã diễn ra từ cách đây hai tuần, mà nay mới có bài tường thuật, xin có lời xin lỗi các độc giả và Hội Văn Hoá Trịnh Công Sơn. Vì ngoài những chuyện thời sự vẫn còn đang nóng bỏng và lôi cuốn tâm trí mọi người Việt, người viết bài này cũng bị khó khăn nhiều ngày không biết làm sao viết.
Khó viết bởi vì đêm ấy quá ngắn. Ngắn quá, nghe nhìn mê mẩn từ đầu đến cuối. Xong rồi ư ? không thấy thời gian trôi qua. Cho nên hễ nhớ lại khoảng thời gian bị cô đặc lại ấy thì nhiều cảm nhận chen chúc nhau tràn về, không biết viết gì trước viết gì sau. Quá nhiều cảm nhận, vì đêm quá ngắn ấy thực tình rất dài, một đêm nghe hát mà kéo dài từ 8g30 tới quá nửa đêm, bỏ đi khúc giải lao cũng còn hơn ba tiếng, một đêm ca kịch cổ điển hoành tráng cũng hiếm khi dài thế. Nghe đến hơn hai chục bài hát, nghe những lời giới thiệu vui vẻ mà thâm thuý của Cao Huy Thuần, duyên dáng nhưng không kém trí tuệ của Hải Lý. Cũng không thể quên Đức Bình, người giới thiệu chương trình thứ ba, ngắn gọn và rất có phong cách.
Tuy nhiên, đo đếm thời gian và số bài hát... thực không là gì, chỉ một chút thông tin số lượng mà thôi. Với nghệ thuật, chất lượng mới là quan trọng. Chất lượng đến từ thực tài của nghệ sĩ để truyền cảm hứng đến người nghe, và rồi dĩ nhiên cảm nhận của người nghe thì hoàn toàn chủ quan.
Nhưng trước khi đi vào những cảm nhận chủ quan, không thể không nói lời cám ơn ban tổ chức đã chọn lựa, sắp xếp các bài hát, tụ tập các nghệ sĩ, tìm nơi trình diễn ... những việc không đơn giản. Trong vùng Paris, một trong những thủ đô của nghệ thuật thế giới, tìm một nhà hát có chất lượng vừa đủ số chỗ ngay cả ở ngoại ô, vào một chiều cuối tuần, khó lắm (cuối cùng khoảng 500 chỗ kể cả ghế phụ đã bán hết trước ngày diễn mấy tuần). Lại thêm tham vọng hội tụ được Khánh Ly và Đức Tuấn, công việc không thể nhanh chóng; và ban tổ chức còn muốn dành cho buổi kỷ niệm nhiều bất ngờ tuyệt vời khác nữa... cho nên đến 11/6 vừa qua mới làm được buổi kỷ niệm.
Nghĩ lại, tôi có cái may, vì viết trễ nên được ban tổ chức gửi cho các bài chuẩn bị giới thiệu của anh Thuần và Hải Lý, tha hồ mượn hoa cúng Phật, thêm nữa lại được cho biết một số bài đã thượng tải lên Youtube, cho nên cũng giới thiệu luôn ở đây, bạn đọc chỉ cần bấm vào những đường dẫn (có chữ gạch dưới và đổi màu) để nghe.
*
Đối với tôi buổi trình diễn này đem lại nhiều hứng thú độc đáo và duy nhất. Những hứng thú có khi được chờ đợi và có khi bất ngờ đó của khán thính giả có lẽ cũng tác động ngược lại đến giọng ca, tiếng đàn, làm cho chúng hay hơn, cảm động hơn; và làm cho khán thính giả càng hứng thú; như thế đó, một vòng xoáy đồng cảm, gặp nhau mừng như bão cát. Dùng từ gì bây giờ để nói về những điều đó ? vô phương ! thôi thì "độc nhất" vậy.
Khánh Ly, ảnh Điệp Giang
Cái độc nhất mà tôi chờ đợi, là được trực tiếp nghe Khánh Ly hát. Các đĩa chị xuất bản bên Mỹ tôi có gần đủ, nhưng hình như không có những bài trong "ca khúc da vàng". Chờ đợi của tôi, có lẽ anh Cao Huy Thuần đã nói thay trong lời giới thiệu:
"...Cho đến hôm qua, tôi chưa bao giờ gặp Khánh Ly. Nhưng, với Khánh Ly, đâu có cần gặp mới quen. Giữa chị, và công chúng yêu mến chị, không phải chỉ có giọng hát. Còn có cả một chiều sâu lịch sử. Một lịch sử oai hùng. Một lịch sử thương đau. Một lịch sử Điện Biên. Một lịch sử Plei Me, Chu Prong. Một lịch sử đầy tình ca, kể cả tình ca người mất trí. Một lịch sử vang vọng tiếng ru, kể cả đại bác ru đêm. Lịch sử đó nằm không phai trong tim. Cho nên trong tim ai cũng có Khánh Ly..."
Nếu trong giọng ca Khánh Ly của ngày xưa, trong những tình ca như Diễm Xưa, Mưa Hồng... và trong những "Ca khúc da vàng" như Giọt nước mắt cho quê hương, Đại bác ru đêm... người ta cảm thấy có cái gì mảnh khảnh, run rẩy, lung linh, mà có người còn gọi là "ma quái"; thì với giọng hát Khánh Ly hôm nay còn có gì chung ? Chị đã có tuổi, hơi thở ngắn hơn là chuyện tự nhiên, nhưng âm sắc lại giàu hơn, đầy đặn hơn, đêm càng khuya thì giọng chị lại càng khoẻ ra, không thấy dấu vết của năm tháng nữa. Nghệ sĩ càng về sau càng hứng khởi, đó là dấu hiệu của một đêm biểu diễn thành công.
Trở lại chữ "ma quái", đây không phải là cái ma quái kinh dị, đây là thứ ma quái lung linh mê hoặc của Liêu trai, ma quái vì sức sống lung linh trong nỗi chết bao trùm. Nhưng Trịnh Công Sơn và Khánh Ly không sống thời Bồ Tùng Linh. Họ sống trong một hoàn cảnh nghiệt ngã có thực, trần truồng, nói như anh Cao Huy Thuần, "trong đó cái chết và tình yêu là hai nhân vật không rời nhau – chết trần truồng mình không manh áo, nhưng nằm chết như mơ." Cái lung linh ma quái đó có thực, không phải là sự nuối tiếc quá khứ của người đã chết như trong Liêu trai, nó thường xuyên chập chờn trong đời thường của người đang sống; vì sự sống, tình yêu, lúc nào cũng có thể vụt tắt chung quanh mình hay cho chính bản thân mình. Nhưng chính vì thế phải và cần sống, phải và cần yêu, phải và cần sáng tạo và thưởng thức cái đẹp. Nhạc và lời Trịnh Công Sơn, được thể hiện tuyệt vời qua giọng ca Khánh Ly ngày xưa, le lói, mảnh mai mà mãnh liệt, chính là sự cứu rỗi của cái đẹp, của nghệ thuật, cho cả một thế hệ thanh niên thành thị miền Nam.
Nhưng cảm giác "lung linh ma quái" ngày xưa đó, hôm nay chỉ có thể được cảm nhận trong thời gian trình diễn nghệ thuật mà thôi, và cũng không thể cảm thấy sâu buốt trong xương tuỷ nữa, chính vì sự sống thực của chúng ta không còn bị đe doạ. Sức sống đó hôm nay đã vươn lên, xoá cái chết, nó khoẻ ra, đầy đặn hơn. Và cuộc biểu diễn nghệ thuật của Khánh Ly hôm nay, với tâm thức bình thản, chính là việc kể lại lịch sử của một người đã tham dự vào lịch sử. Nói như vậy tôi có hơi quá phận, vì chắc là chị không tự cho mình cái nhiệm vụ đó. Chị chỉ kể chuyện mà thôi, như chị đã nói rất khiêm tốn:
"Thật ra tôi không phải là một ca sĩ đúng nghĩa đâu, tôi giống như là một người đi kể chuyện vậy, kể lại những chuyện tình, kể lại những hạnh phúc, kể lại những thương đau và tôi đã đi như vậy qua 2 thế kỷ, tôi đã đi như thế trong suốt 50 năm, đi không ngừng nghỉ và chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi chỉ có điều tôi biết đoạn đường sắp tới của mình không còn bao lâu nữa, không còn dài nữa mà vẫn thấy gian nan dẫu sao thì tôi cũng phải đi nốt đoạn đường mà tôi phải đi." (viết lại theo băng ghi âm).
Nhưng qua tiếng hát - kể chuyện vẫn còn thoáng run rẩy của chị tôi đã nghe lại được thông điệp của sức sống trỗi dậy đó, Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn hôm nay làm cho tôi hiểu rõ hơn Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ngày xưa, cảm nhận rõ hơn sức sống lung linh và cái đẹp cứu rỗi của nghệ thuật trong thời ấy. Tôi nghĩ chỉ có thể như thế, và cần thiết phải như thế. Ca khúc da vàng vẫn cần được hát lên bởi những ca sĩ có rung cảm sâu sắc với vai trò của nghệ thuật trong lịch sử, để cho thế hệ tuổi trẻ ngày nay không quên lịch sử. Cùng với những dòng nhạc khác, mang những tâm thức khác, trong một xã hội dân chủ về văn hoá.
Người kể chuyện ngày nay có vẻ thanh thản đó vốn rất tinh tế. Tinh tế đến độ nếu không có một người bạn nhắc đến tôi cũng không nghe lại để muộn màng nhận ra tại sao sau khi hát bốn câu trong bài Một cõi đi về, Khánh Ly đã chuyển hẳn sang hát bài Như một lời chia tay :
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì
(...)
Tiếng thì thầm từ đây nhớ lại
ngỡ chỉ là cơn say
Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời như một lần chia tay...
Nghe lại bỗng quặn đau vì cảm động, thấy Khánh Ly đã hát bốn câu trong Một cõi đi về dường như chỉ là đề từ cho bài "như một lời chia tay" chị hát ngay sau. Chia tay lần nữa với Trịnh Công Sơn sau mười năm anh vĩnh viễn ra đi, bằng cách nhắc lại thời mà "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng". Thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Còn có sự bày tỏ nào sâu sắc và kín đáo hơn thế cho một buổi kỷ niệm.
Cao Huy Thuần, ảnh Điệp Giang Các anh chị thân mến, nhan đề của đêm hát hôm nay là "Mười năm với TCS". Tôi nghĩ : không ai với TCS bằng Khánh Ly. Họ đã hòa quyện với nhau trong tiếng hát. Họ đã cùng hiến hai cuộc đời thanh xuân của nhau để cùng tạo dựng chung huyền sử của một thời đại, trong đó cái chết và tình yêu là hai nhân vật không rời nhau - chết trần truồng mình không manh áo nhưng nằm chết như mơ. (...) Các anh chị thân mến, "Khi đất nước tôi thanh bình" là câu đầu của bài "Tôi sẽ đi thăm". TCS tuyên bố sẽ đi thăm hầm chông, mộ chí, nghĩa địa, kể cả mã tấu. Và anh tuyên bố thêm : "Khi
đất nước tôi không còn giết nhau ...tôi có nghe một ý kiến, nói rằng bài hát này ngây thơ quá, vẽ ra một TCS quá ngây thơ. Trời ơi ! - tôi nói - Có gì đẹp bằng ngây thơ ! Ta thường ca ngợi : một đôi mắt ngây thơ, một vầng trán ngây thơ, một nụ cười ngây thơ … Vậy thì một lời hát ngây thơ của một bài đồng dao ngây thơ là quá đẹp đi chứ ! |
Cái độc nhất thứ nhì, mà tôi hy vọng và thích thú thấy đã xẩy ra, là cuộc gặp gỡ giữa Khánh Ly và Thanh Hải. Anh "là một trong những tiếng hát đánh dấu một giai đoạn không thể thiếu trong âm nhạc TCS", theo giới thiệu của Hải Lý:
Hải Lý, ảnh Điệp Giang Những năm cuối 70 và đầu 80 tại Sàigòn, khi mà Khánh Ly không còn ở đó nữa, Hồng Nhung chưa xuất hiện, rất nhiều bài hát nổi tiếng xưa của TCS chỉ được nghe thầm, nghe lén hay âm ư trong lòng người mộ điệu. Trong hỗn mang, chập chờn hòa trộn giữa cũ và mới, hay - dở hoặc đi - ở, mất - còn của nhiều thứ trong đời sống, được chứng kiến "cơn lên đồng“ đốt sách, bài bác các thứ gọi là "văn hóa đồi trụy trước năm 75“, người dân miền Nam hoang mang lo sợ. Trái tim nhạy cảm của người nhạc sĩ vốn tự xem mình là "người hát rong qua nhiều thế hệ", người đã không ra đi và chọn quê hương là nơi chốn sáng tác của mình, làm sao có thể lặng thinh trước những tâm tư ấy. Chúng ta thử nghe một đoạn tâm tình của TCS trên báo nhân ngày 30.4 năm 1993 …cách đây 18 năm tôi đứng ở một bến bờ khác, tôi gọi con đò, con đò dừng lại và chở tôi đi. Sau giờ phút ấy, điểm khởi đầu của 18 năm sau, tôi ngần ngại không dám gọi đò. Em tập tễnh bước đi. Tôi ngần ngại bước đi. Em không sợ ngã nhưng tôi thì lại sợ vấp ngã… Mỗi bước chân tôi là vụng về e ngại, là tự nhủ băn khoăn… Trong bối cảnh đó, âm nhạc của TCS vẫn tạo được dấu ấn với một âm hưởng mới. Rất nhiều sáng tác trong thời gian nầy được ra mắt công chúng bằng giọng hát Thanh Hải. Ðược TCS giới thiệu là "người ngoại đạo cầm ca" nhưng có lẽ thời ấy không ai hát hay bài "Em còn nhớ hay em đã quên“ hơn Thanh Hải được. Nhiều khán giả đã khóc ngậm ngùi khi lần đầu được nghe bài nầy tại sân khấu của hội trí thức yêu nước, trong đó có tôi. |
Em còn nhớ hay em đã quên, Chiều trên quê hương tôi, hai bài hát Thanh Hải trình bày đều thuộc giai đoạn đó. Còn bài hát chung với Khánh Ly, Tôi sẽ đi thăm, được anh Cao Huy Thuần giới thiệu ở trên. Khánh Ly và Thanh Hải tuy hiện nay đều ở nước ngoài, một người bên Mỹ, một người ở Đức, có lẽ chỉ gặp nhau vài lần. Thế nhưng cả hai đều thấu hiểu sâu sắc Trịnh Công Sơn, không lạ là họ đứng hát chung với nhau được ngay.
Tôi sẽ đi thăm... Khánh Ly và Thanh Hải, ảnh Phạm Ngọc Lân
Nhưng điều độc nhất thứ ba, bất ngờ hơn, là nghe Đức Tuấn hát Trịnh Công Sơn chung với Khánh Ly. Lần này giữa hai ca sĩ là cả một không thời gian xa cách. Thế nhưng cả hai đều là những ca sĩ chuyên nghiệp, mặc dù đều mới đến Paris chỉ mấy ngày trước, một người từ Mỹ, một người từ Việt Nam, không hiểu họ tập dượt với nhau được mấy lần. Bài hát Đoá hoa vô thường lại dài, lại phải hát theo nhạc đệm thu băng, vậy mà vẫn được thể hiện thành công, xứng đáng với buổi kỳ ngộ bất chợt này. Và những giây phút tôi thấy cảm động nhất của buổi kỷ niệm chính là trong bài hát này, khi nhận ra Khánh Ly và Đức Tuấn vui vẻ luân phiên nhau giữa bè chính và bè hai. Với tôi điều ấy có ý nghĩa một cuộc chuyển giao thế hệ, từ một ca sĩ đàn chị tới một đàn em tuổi nhỏ hơn nhiều. Điều ấy chỉ có thể có trong lòng một ca sĩ rất lớn, không có chút tự tôn nào, tin tưởng ở một tài năng và đối thoại với tài năng ấy bình đẳng như giữa hai người cùng mang cái nghiệp, không, cái lý tưởng, phục vụ ca nhạc như một lựa chọn sống đời. Đoá hoa vô thường kết thúc chương trình kỷ niệm mười năm này như thế.
Đoá hoa vô thường, với Khánh Ly và Đức Tuấn. Ảnh Dương Phương Linh
Hồng Anh và Thanh Hải hát ít hơn trong đêm ca nhạc này, Thanh Hải hát hai bài và một bài chung với Khách Ly, còn Hồng Anh chỉ hát hai bài Hát cho một người nằm xuống, và Bà mẹ Ô Lý. Cũng tự nhiên, họ đều sinh sống bằng nghề khác, tức có thể nói họ là những ca sĩ nghiệp dư, tuy đều là những ca sĩ xuất sắc cho nhạc Trịnh Công Sơn, hơn nhiều ca sĩ chuyên nghiệp khác trên những bài "tủ" của họ, và họ đều tự đệm ghi ta theo phong cách du ca. Tôi không biết Hồng Anh và Thanh Hải có hát những bài hát của các nhạc sĩ khác không, vì chưa được nghe bao giờ. Và tôi có cảm tưởng không ai hát hay hơn Thanh Hải những bài trong giai đoạn sau 75 của Trịnh Công Sơn, có nhiều suy tư triết lý.
Giọng của Hồng Anh cũng mảnh mai và truyền cảm như giọng Khánh Ly hồi trẻ nhưng lại rất trong, chị hát những bài có tính dân ca rất hợp. Lại xin mượn hoa cúng Phật, trích một đoạn giới thiệu của Hải Lý : “ Người mẹ Ô Lý là một bài hát với lời ca thật giản dị. Sự đơn giản và dung dị của một tâm thức đã thực sự chín. Tặng Người mẹ già tôi đã gặp trong đoàn người từ Quảng Trị về Huế, một câu nói chân tình, một rung động chân thành của TCS khi gặp người mẹ già ôm trái bí chạy loạn, bỏ lại mảnh vườn và thôn xóm hiền hòa của mình trong mùa hè khói lửa tàn khốc nhất của chiến tranh. Bài hát viết theo thể đồng dao...". Và nghe Hát cho một người nằm xuống từ giọng rất nhẹ nhàng trong trẻo một người con gái ôm ghi ta thùng tự đệm, lại cho một cảm xúc mới lạ khác hẳn.
*
Xin trở lại với Đức Tuấn. Anh có giọng ca đẹp, truyền cảm, âm vực rộng, âm sắc giàu, anh diễn tả hấp dẫn; xứng đáng được nhiều người ái mộ. Tôi đã được nghe anh nhiều lần, ở Paris cũng như ở Việt Nam, rất thích giọng ca này, nhưng phải nói thẳng cũng hơi tiếc lần nào cũng chỉ được nghe dàn nhạc đệm qua máy ghi âm. Chẳng lẽ một ca sĩ lớn lại phải bó mình theo một nhịp điệu ngặt nghèo đã định sẵn ? dù cho đó là do chính mình chuẩn bị. Thiết nghĩ : một bài hát là một đối thoại tức thời giữa ca sĩ và người đệm đàn hoặc ban nhạc, tiết tấu có thể thay đổi mỗi lần diễn tuỳ theo cảm hứng của ca sĩ.
Và đây lại là một điều độc nhất nữa với tôi, lần này, trừ bài hát chung với Khánh Ly, vì một lý do nào đó vẫn còn nhạc đệm ghi âm, tất cả các bài khác Đức Tuấn hát với người đệm đàn. Thậm chí bài Đường xa vạn dặm Đức Tuấn hát a capella rất lôi cuốn người nghe, chọn lựa đúng vì lời bài hát quá xúc động. Nhiều người nói nhạc Trịnh Công Sơn chỉ thích hợp cho lối hát "mộc" kiểu du ca, nhưng riêng tôi không chống việc có dàn nhạc đệm hoành tráng cho một số bài hát của Trịnh, vì như trên đã trình bày, hôm nay, sau mười năm ông ra đi, thời thế đã đổi khác, người nghe đã khác, dẫu sao cũng không còn cảm nhận được trong xương tuỷ nhưng xúc cảm cuả ông như khi họ cùng sống trong thời ông sáng tác. Hôm nay, phải là thời gian của nghệ thuật ca hát gần như thuần tuý, trong nghệ thuật còn có kỹ thuật nữa; vì vậy ca sĩ cứ tự do chọn lựa bài hát và cách biểu diễn của mình cho thích hợp nhất, để làm cái nghề "kể chuyện" của mình, để truyền đạt lại tới thính giả cảm xúc riêng của mình qua nhạc và lời của một thời, đã được nhạc sĩ ghi lại, cảm xúc ấy phải tự do, vì lời và nhạc, cộng cả hiểu biết lịch sử nữa, cũng không thể nào ghi lại đầy đủ trên giấy.
Tuy nhiên, trong điều kiện vật chất của đất nước, có lẽ rất khó có những buổi biểu diễn thường xuyên với một ban nhạc sống hoành tráng. Vậy, nếu phải chọn lựa giữa một băng ghi âm, một cây ghi ta, một đàn dương cầm hay một ban nhạc nhỏ kiểu băng nhạc Jazz, thì theo tôi có lẽ giọng ca khoẻ và đẹp của Đức Tuấn thích hợp hơn cả với hai giải pháp sau. Ghi ta thùng chắc không đối lại được với hơi thở Đức Tuấn. Nhớ lại, bài Phúc âm buồn do Đức Tuấn hát và Nam Anh đệm dương cầm theo phong cách Jazz thật tuyệt vời. Nếu ở Việt Nam Đức Tuấn có được một tay dương cầm đệm riêng cho mình cỡ Nam Anh thì tôi nghĩ lời ca của Đức Tuấn sẽ bay cao hơn nữa, tới được với nhiều người hơn nữa. Phải nói trong buổi kỷ niệm này Nam Anh đệm bài nào cũng hay, với phong cách riêng thích hợp với từng bài.
Và Nam Anh còn là người phối âm bốn bè và chỉ huy ban đồng ca J-Vox trong trường ca Dã Tràng nữa, một ban đồng ca tài tử trong đó có nhiều sinh viên âm nhạc. Họ hát như một ban đồng ca chuyên nghiệp, với hai lĩnh xướng soprano và alto có giọng rất đẹp. Lần đầu tôi được nghe trường ca này, lại khám phá một khía cạnh mới trong gia tài Trịnh Công Sơn để lại cho âm nhạc. Tôi nghĩ đã đến lúc đưa nhạc Trịnh Công Sơn lên tầm nhạc hàn lâm, dùng hoà âm, biến tấu, phối khí, để thành những tác phẩm dài hơi, hoành tráng. Tại sao không ? ý nhạc của ông, giai điệu của ông rất giàu, rất đẹp. Lấy hứng từ đó, phát triển lên bằng những kỹ thuật hàn lâm không phải là điều rất nên sao ? Thiếu gì các tác phẩm nhạc cổ điển hay tân cổ điển nổi tiếng của thế giới chỉ thêu dệt trên một vài giai điệu đẹp bằng những biện pháp hoà âm, biến tấu và phối khí ? Để thăng hoa đến tận cùng tất cả những tiềm năng cảm xúc của các giai điệu giản dị.
Dàn đồng ca J-Vox, với trường ca Đêm Dã Tràng. Ảnh Dương Phương Linh
Trường ca Dã Tràng kết thúc phần đầu của chương trình rất phong phú và quá ngắn này, đó là món quà độc nhất cuối cùng kể ra đây trong trí nhớ còn bàng hoàng của tôi, rất bất ngờ, rất có ý nghĩa với tương lai, mà ban tổ chức đã tặng cho khán thính giả.
Xin cảm ơn, cảm ơn các nghệ sĩ Khánh Ly, Đức Tuấn, Thanh Hải, Hồng Anh, cảm ơn dàn đồng ca J-Vox, các nhạc sĩ đệm đàn Nam Anh, Đặng Bình, các người dẫn chương trình Cao Huy Thuần, Hải Lý, Đức Bình, cảm ơn vô số bạn bè đã giúp vào rất nhiều công việc có tên như là âm thanh, ánh sáng, cũng như vô số công việc không tên khác. Cuối cùng riêng người viết bài tường thuật này xin cảm ơn các bạn Điệp Giang, Phạm Ngọc Lân và Dương Phương Linh đã cho các bức hình ghi lại những phút giây đáng nhớ của buổi kỷ niệm này.
Một đêm nhạc rất xứng đáng với lần kỷ niệm mười năm. Nó cho thấy cả một toàn cảnh những tâm thức và nghệ thuật của nhạc sĩ, nó mở ra những bước phát triển mới.
Hàn Thuỷ
Đại diện hội văn hoá Trịnh
Công Sơn Quỳnh Châu gửi tặng
tiền lời của đêm nhạc tới các nạn nhân thiên tai ở Nhật,
qua ông hội trưởng hội hữu nghị Nhật-Pháp. Ảnh Phạm Ngọc Lân
Đón nhận những bó hoa và những tràng pháo tay nồng nhiệt cuối cùng. Ảnh Phạm Ngọc Lân
Hàn Thuỷ
Các thao tác trên Tài liệu