GIANG TRANG HÁT TRỊNH CÔNG SƠN
Giang Trang và nhóm nhạc Hạ Huyền (ảnh PVĐỉnh)
Các anh chị vừa nghe Giang Trang mở đầu đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Trước khi Giang Trang tiếp tục hát các bài tiếp theo, tôi xin có vài lời nói về người ca hát nghệ sĩ này.
Giang Trang đến với Trịnh Công Sơn từ năm 12 tuổi, khi cô tình cờ nghe Trịnh Công Sơn đàn và hát tại trường Đại Học Hà Nội. Từ tình cờ, cô làm quen với nhạc Trịnh Công Sơn, rồi từ làm quen đến thân thiết, từ thân thiết đến yêu, quá trình đó len lỏi trong cô cho đến khi cô 20 tuổi. Ở cái tuổi đã có chút kinh nghiệm sống đó, khi cô đã biết thế nào là đẹp, thế nào là tốt, thế nào là tử tế, cô khám phá ra sự đồng cảm tự nhiên giữa tâm hồn của mình với cái đẹp trong ca từ Trịnh Công Sơn. Cô sống với nhạc Trịnh Công Sơn từ đó. Trong suốt 4 năm sinh viên, cứ mỗi thứ tư hàng tuần, cô đến hát Trịnh Công Sơn tại Quán Nhạc Tranh, nơi quy tụ của giới trẻ yêu nhạc. Sinh viên hâm mộ Giang Trang từ ngày ấy.
Anh Cao Huy Thuần và Giang Trang (ảnh Nguyễn Chí Thành)
Tôi nhắc lại chút "lý lịch" này không phải để quảng cáo cho Giang Trang mà để nói lên cảm giác lạ kỳ khi thấy Trịnh Công Sơn của những năm Sài Gòn cháy bỏng chiến tranh bỗng sống lại mấy chục năm sau giữa Hà Nội hậu chiến, hiện thân nơi một cô gái chẳng biết gì về Sài Gòn, về bom đạn và hận thù đang phá nát gia tài của một bà Mẹ. Thật là lạ lùng, cô gái đó vừa mở đầu với một bài hát bây giờ không còn được nghe nữa để hát lên nỗi khắc khoải đợi chờ hòa bình của chính chúng ta đúng bốn mươi năm về trước. Lạ lùng, và lãng mạn, Quán Nhạc Tranh của cô gợi nhớ Quán Văn ngày xưa của Trịnh Công Sơn, và Giang Trang gợi nhớ Khánh Ly của "Ca khúc Da vàng" thuở ban đầu.
Nhưng Giang Trang không nấp dưới cái bóng của Khánh Ly. Cô tạo cho mình một giọng hát riêng, trẻ, mới, và, như các anh chị vừa nghe, buồn, nhưng buồn mà không thảm, thản nhiên mà buồn, ung dung mà buồn, "lòng thật bình yên mà sao buồn thế". Thấm ca từ của Trịnh Công Sơn nên trong buồn cô biết có vui, trong tuyệt vọng cô biết có hy vọng, trong ê chề cô biết có bình yên, và ngược lại, khi tình yêu đến cô biết tình yêu đi, khi mặn nồng cô biết có phôi pha, khi thề thốt cô biết cũng chỉ là để gió cuốn đi, gió cuốn đi... Đó là tâm trạng thường xuyên của Trịnh Công Sơn mà cô sẽ diễn tả qua bài hát tiếp theo, "Trong nỗi đau tình cờ". Trong bài hát, có hai nỗi lòng: tôi yêu và tôi đau. Trong hai nỗi lòng ấy, cái gì là "tình cờ"? Tình yêu chăng như người ta thường nói? Đâu phải! Dù cho chúng ta thường nghe các ông văn sĩ nói "tiếng sét ái tình", tiếng sét ấy không phải là tình cờ. Bởi vì cũng khối các ông văn sĩ, thi sĩ quỳ xuống tuyên bố với người yêu: "Ta gặp nhau từ muôn kiếp trước". Đâu phải tình cờ phút này! Vậy thì cái gì là "tình cờ"? Nỗi đau. Tôi đang yêu em như thế, như trẻ thơ, thì em rời tôi. Chuyện này là chuyện muôn đời. Chuyện ái tình cổ điển. Thế nhưng, với Trịnh Công Sơn, nó khác. Và đây chính là tinh hoa trong ca từ Trịnh Công Sơn. Em tình cờ làm tôi đau, nhưng tôi yêu em trong nỗi đau tình cờ ấy. Trịnh Công Sơn không bao giờ giận người yêu phụ bạc. Thậm chí anh còn dỗ dành: "Này em, em cứ phụ người, này em, em cứ phụ tôi". Trong ca từ của Trịnh Công Sơn, bao giờ cũng có hai nửa: nếu nửa buồn đi trước nửa vui trong đoạn đầu thì thế nào cũng có nửa vui đi trước nửa buồn trong đoạn sau. Khi nghe Trịnh Công Sơn nói buồn, anh chị khoan tin, vì anh sẽ nói vui. Khi nghe Trịnh Công Sơn nói tuyệt vọng, khoan tin, anh sẽ đứng dậy hy vọng. Trong bài hát Giang Trang sẽ hát, anh chị để ý hai câu trái ngược nhau: "yêu trong nỗi vui đợi chờ" và "yêu trong nỗi đau tình cờ". Chờ đợi người yêu có vui không? Vui quá. Nhưng ai đã từng cay đắng với tình yêu đều biết: Chờ, có thể người yêu đến. Có thể là không đến. Có thể đến rồi lại đi. Có thể đi rồi lại đến. Hát Trịnh Công Sơn thì phải biết diễn tả những trái ngược như thế trong ca từ, và sở dĩ chúng ta yêu nhạc Trịnh Công Sơn chính vì những trái ngược đó nằm sâu lắng trong tâm hồn chúng ta. Không ai hát mà thấy những trái ngược đó bằng Giang Trang. Tôi dám nói như thế bởi vì cái mâu thuẫn tinh hoa của Trịnh Công Sơn nằm ngay trong cái tên Hạ Huyền mà cô đặt cho nhóm nhạc của cô và cho những đêm hát đã làm cô nổi danh trên sân khấu L'Espace ở Hà Nội.
Vân Mai - Giang Trang - Thanh Phương (ảnh PVĐỉnh)
Hạ Huyền, như các anh các chị đều có thể đoán, là trăng sau rằm, trăng cuối tháng, trăng hạ tuần. Trăng trước rằm là trăng thượng tuần, trăng sáng dần. Trăng ấy không làm ta cô đơn vì mọi người còn thức với ta. Trăng hạ tuần đến khi ta trằn trọc một mình không ngủ được. Trăng từ tròn đến khuyết, như một nửa cứ mất dần, trăng mất trăng, ta mất ta, ta mất người yêu, Kiều mất Thúy Kiều, Kiều mất Kim Trọng, Kiều giật mình giữa tàn canh, Kiều xót xa, Trịnh Công Sơn xót xa phận mình, phận người, phận nước. Hạ Huyền, chính là cái góc tối ấy của mặt trăng, chỗ khuất, chỗ u uẩn, chỗ bí hiểm trong nhạc Trịnh Công Sơn. Chỗ đau. Giang Trang chọn chỗ tối ấy trong tâm hồn của cô để thám hiểm lời ca. Hạ Huyền là nửa tối tự hát về mình và hát về nửa sáng.
Bởi vậy, hát Trịnh Công Sơn thì phải "cúi xuống, cúi xuống thật gần". Gần cái gì? Gần trái tim. Để làm gì? Để "nghe tim rạng vỡ", nghe "đau thương trong tuổi nhỏ khóc òa". Nhạc Trịnh Công Sơn thường buồn như vậy, như nỗi lòng kể trong bóng tối. Kể nhỏ nhỏ, thầm thì. Nhưng có một điều rất lạ, đặc biệt trong ca từ Trịnh Công Sơn: nghe giọng buồn mà ta không chìm xuống, ngược lại, vẫn thấy nhẹ nhàng , thanh thoát, thinh không. Nhạc và lời ca vừa bay lên vừa bay vào. Bay lên trong chỗ Đẹp, chỗ Cao Sang, chỗ Tha Thứ, chỗ Giải Thoát. Và đồng thời bay vào, vào chỗ tối trong tim các anh chị, chỗ hiu quạnh, chỗ ngây ngô. Chỗ đau. Mong các anh chị thưởng thức được nét tuyệt diệu đó của bài hát "Trong nỗi đau tình cờ" qua giọng hát của Giang Trang và phối khí mê hoặc của anh Thanh Phương.
Cao Huy Thuần
Bài nói trong "Đêm nhạc Hạ Huyền Paris", ngày 4-4-2015.
Các thao tác trên Tài liệu