Bạn đang ở: Trang chủ / Góc bạn bè / Bài viết / Sự thực "Thư gửi Ngô Kha" của Trịnh Công Sơn

Sự thực "Thư gửi Ngô Kha" của Trịnh Công Sơn

- Webmaster cập nhật lần cuối 18/09/2006 12:21
Nguyễn Đắc Xuân, 2004


Chung quanh "Thư gửi Ngô Kha"

Rất cám ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã chuyển cho chúng tôi bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân để có thêm một chứng cớ nữa về tác giả của "Thư gửi Ngô Kha", vì trong cuộc gặp gỡ đầu hè vừa rồi ở Hà Nội, cùng với các anh Hoàng Ngọc Hiến, Chu Văn Sơn, ..., chúng tôi vẫn còn thắc mắc về nguồn gốc của "bức thư" ấy, tuy đã có bài của Lê Minh Quốc giải bày khá chi tiết trên báo Thanh Niên (30/06/2004). Chúng tôi xin đăng lại bài của Nguyễn Đắc Xuân để bạn đọc tham khảo.

Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bị hoàn toàn thuyết phục bởi các chứng cớ và chứng từ đã viện dẫn, và dù có trong tay nguyên bút tích đi nữa. Theo tôi, đó là một bài báo (dưới dạng một lá thư) do nhu cầu thời cuộc mà ai cũng có thể viết được, một loại bài mà sinh viên trí thức "phong trào", Huế, Sài Gòn, hay Berlin, Paris, Toulouse, ... đều có thể và thường đẻ ra thời đó. Tôi vừa cố gắng đọc lại "Lá thư” của Trịnh Công Sơn, sao mà nó "phẳng" thế, chưa bao giờ tôi đọc một bài nào của Sơn dài và dai như thế, anh thử so sánh với một bài trước gần đó xem, "Có nghe ra điều gì (1973), cũng là một bài "chính trị", nhưng rõ ràng nó được xây cất trên nhiều tầng, vươn qua cái tính nhất thời, cái sự việc cụ thể nào đó đã làm "mồi" cho cảm hứng ban đầu, để nói lên những điều sâu thẳm hơn, trường tồn hơn.
(PvĐ, 13/09/2006).


http://www.gio-o.com/aongon2.html

Gió O: Tài liệu này được trích lại từ tuần báo "Nhà Báo & Công Luận", chỉ ra được 2 số và đã bị đình bản ở Sài Gòn cuối năm 2004

Độc giả trong đó có nhiều người rất thân với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước năm 1975 khi đọc "Thư gửi Ngô Kha" trong sách Trịnh Công Sơn, Rơi Lệ Ru Người (NXB Phụ Nữ, 2001), do nhà báo Lê Minh Quốc thực hiện, thấy hơi ngờ ngợ. Ngờ ngợ là vì lần đầu tiên họ được đọc một lá thư rất dài của Trịnh Công Sơn (có đến 2715 từ), trong thư lại có quá nhiều cụm từ chính trị rất xa lạ với Trịnh Công Sơn trước năm 1975 như "tiêu diệt tự do tư tưởng", "tập thể nhân dân", "vấn đề tổ chức cơ cấu" v.v... Bản thân tôi là người cùng thế hệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và anh Ngô Kha ở Huế , từ năm 1966 cho đến 1975, tuy tôi thoát ly ra vùng kháng chiến nhưng vẫn liên lạc với các phong trào ở đô thị , cũng không chắc tác giả lá thư đó chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bởi thế khi đăng lại "Thư gửi Ngô Kha" để minh họa cho tình bạn giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Ngô Kha, trong cuốn Trịnh Công Sơn Có Một Thời Như Thế in 2003, tôi đã phải ghi thêm một chú thích : "Đọc lá thư này tôi bắt gặp nhiều từ, nhiều ý tưởng chính trị mạnh mẽ ít khi thấy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói hay viết ở những nơi khác nên tôi hơi ngờ về tác gỉa lá thư. Tuy nhiên cho đến nay tôi chưa có tư liệu để chứng minh ngược lại cho nên tôi vẫn xin đưa vào phần Phụ lục để minh họa cho tình bạn giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Kha vậy."

Hơn một năm sau báo Thơ (phụ bản của báo Văn nghệ của hội nhà văn Việt Nam) số ra ngày 12-6-2004, đăng lại lá thư ấy với nhan đề là "Thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha" vời lời khẳng định đây là "thư của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi nhà thơ (liệt sĩ) Ngô Kha trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước".

Sự khẳng định của báo Thơ chưa được chứng minh nên tôi vẫn chưa tin. Không ngờ bài đăng trên báo Thơ làm cho nhà thơ Thái Ngọc San môt người quen biết Trịnh Công Sơn và thân thiết như ruột thịt với nhà thơ Ngô Kha từ năm 1968 cho mãi đến giữa năm 1972 (Ngô Kha bị bắt, còn Thái Ngọc Sơn thoát ra chiến khu) phải lên tiếng trên báo Thanh Niên (số 178, ngày 26.6.2004). Thái ngọc San đặt vấn đề : "Thư của nhạc sĩ Trịnh công Sơn gửi nhà thơ Ngô Kha in trên báo Thơ thực hay giả ?". "Vào thời gian bức thư ra đời (1974) là lúc nhà thơ Ngô Kha đã bị ngụy quyền thủ tiêu" làm sao Kha có thể nhận được thư của Sơn? Hơn nữa trong thư của Sơn có nhắc đến "Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào mình còn nhớ một điều : Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa ..."; San khẳng định rằng "anh Ngô Kha không hề viết cho nhạc sĩ Trịnh công Sơn một bức thư nào" Nếu Ngô Kha có gửi, hẳn gia đình Trịnh Công Sơn còn giữ. Sự thực là không có. Thái ngọc San nhận định : "Với một bức thư quan trọng như thế mà người cung cấp và tờ báo lại không có một giòng nào ghi chú về xuất xứ của nó ?".

Câu hỏi của Thái Ngọc San bắt buộc Lê minh Quốc người sưu tầm và công bố đầu tiên lá thư trên sách phải trả lời bằng bài viết "Sự thật về lá thư Trịnh Công Sơn gửi Ngô Kha" cũng ngay trên báo Thanh niên (số 182, ngày 30-6-2004). Lê minh Quốc trưng dẫn xuất xứ lá thư được trích trong tập san quay roneo mang tên "Đứng Dậy" số 64-65 phát hành nhân dịp Giáng Sinh 1974. Lê Minh Quốc còn cho biết "Cũng trong số Đứng Dậy này tòa soạn đã dành từ trang 81 đến trang 143 công khai đòi hỏi chính quyền Sài Gòn trả lời về trường hợp Ngô Kha bị thủ tiêu. Ngoài tuyên cáo của các Giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha cuối năm 1972 "Lá thư đòi con" của bà Cao Thị Uẩn - mẹ của Ngô Kha viết ngày 25-12-1974 gửi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và nhiều bài viết khác thì còn có lá thư của Trịnh Công Sơn với tựa "Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu" (từ trang 107-114).

Lý giải của Lê Minh Quốc thỏa mản mọi yêu cầu của Thái Ngọc San. Thái Ngọc San điện thoại cám ơn Lê minh Quốc. Bản thân người viết bài này cũng cám ơn nhà báo họ Lê. Nếu có dịp tái bản cuốn "Trịnh Công Sơn có Một Thời Như Thế", tôi có thể bỏ cái chú thích đăng ở cuối "Thư gửi Ngô Kha".

Bửu Ý một người bạn của Trịnh công Sơn, có ký tên trong "Tuyên cáo của các giáo sư văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ giáo sư Ngô Kha cuối năm 1972" mà Lê Minh Quốc vừa nhắc trên đây, còn cho biết anh đang giữ bản thảo viết tay lá thư gửi Ngô Kha. Và không chỉ có thế anh còn có bản thảo viết tay của Trinh Công Sơn về tờ tuyên cáo vừa nêu. Như thế không còn gì phải nghi ngờ, tranh cải về tác giả "Thư gửi Ngô Kha" nữa.

Tuy nhiên cái "máu sử" tò mò tọc mạch trong tôi chưa chịu dừng ở những sự thực ấy. Một câu hỏi hiện dần trong tâm trí tôi: Thế trong hoàn cảnh nào mà Trịnh Công Sơn "giác ngộ cách mạng" đến như thế ? Tôi tìm gặp người thực hiện tờ tập san "Đứng dậy" mà nhà báo Lê Minh Quốc đã sử dụng. Sau 30.04.75, tôi có cộng tác với tập san "Đứng Dậy" nên việc tìm kiếm nầy không có gì khó khăn. Người lo biên tập và in ấn số tập san ấy chính là nhà báo Nguyễn Quốc Thái. Anh Thái bảo tôi :

"Tôi còn giữ đầy đủ bộ tập san Đối Diện và Đứng Dậy ra đời trước và sau 1975. Tôi sẵn sàng cho Anh mượn số tập san anh cần. Còn chuyện trong hoàn cảnh nào nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết lá thư gửi Ngô Kha, anh hỏi anh Lê khắc Cần, người Huế cũng là bạn của anh."

Nhờ anh Thái tôi được đọc tờ tập san tôi cần. Hình bìa tập san vẽ một cháu bé nằm mút tay giữa đám bùng nhùng dây thép gai. Tờ tập san được đánh số 65-66 chứ không phải 64-65 như nhà báo Lê Minh Quốc đã viết.

Tôi hẹn gặp anh Lê khắc Cầm. Bạn bè ngày nay biết anh Cầm là một người rất "kiệm lời" thích đọc và dịch văn chương Anh – Pháp ngữ, đặc biệt là những tác phẩm mang Triết lý phương Tây. Ít người biết anh trước đây từng là một cơ sở trí thức nòng cốt của Thành Uỷ Huế. Tôi nêu câu hỏi và được anh Cầm trả lời một cách thận trọng rằng :

"Chuyện này hơi dài dòng một chút. Như anh biết sau khi Hiệp định Paris 27.1.1973 ra đời ít lâu thì anh Ngô Kha bị bắt đưa đi mất tích. Một số anh em trí thức sợ lộ cũng thoát ly luôn như Trần Phá Nhạc, Trần Hoài, Thái Ngọc San... và sau đó là Võ Quê. Số cơ sở còn lại phải "ẩn mình" hoặc chuyển vùng. Phong trào đấu tranh ở đô thị bị lắng xuống. Tính ra đến cuối năm 1974 anh Ngô Kha đã bị bắt gần 20 tháng mà không được tin tức gì. Tôi bàn với Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc tìm cách tập hợp " các thành phần thứ ba "đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha, gây lại không khí đấu tranh. Ý kiến của tôi được các bạn đồng tình. Những người chủ trương tập san "Đứng Dậy" ở Sái Gòn ủng hộ Huế thực hiện một tập san đặc biệt với chủ đề đòi trả tự do cho Ngô Kha. Chúng tôi chia nhau viết Trịnh Công Sơn viết "Lá thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu" và dự thảo "Tuyên cáo của các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha". Anh Trần viết Ngạc thảo lời bà cụ Cao thị Uẩn thân mẫu Ngô Kha viết "Thư đòi con", Lê khác Cần viết "Ngục tù hay quê hương của Thi sĩ", Nguyễn ngọc Minh hiệu trưởng Trần Hưng Đạo viết "Thư gửi đồng nghiệp Ngô Kha", Nhật Huy viết "Trường hợp Ngô Kha", Võ Đông viết "Bà Mẹ ngô Kha" học sinh Duơng văn Tám viết "Thầy không phải là người lớn, thầy là tuổi trẻ của chúng em" v.v... Đặc biệt cái tuyên cáo tập hợp này được gần 50 chữ ký của các vị "Thành phần thứ ba", người ký đầu tiên là họa sĩ Vĩnh Phối (sau này có lúc làm hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật Huế), thứ hai họa sĩ Đinh Cường, thứ ba là nhà văn Bửu Ý ... người cuối cùng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Địa chỉ nhà Trịnh Công Sơn ở 11/3 Nguyễn Trường Tộ, Huế là đầu mối nhận bài. Chỉ một tuần sau là xong. Có khoảng trên 10 bài kể cả mấy bài thơ của Ngô Kha. Trịnh Công Sơn viết "Thư gởi Ngô Kha" trong một hoàn cảnh như vậy !"

Tôi hỏi tiếp :

- Như thế Trịnh Công Sơn cùng với anh chủ trương và thực hiện nội dung số tập san đặc biệt về cuộc đấu tranh đòi trả tự do cho Ngô Kha. Vậy Trịnh Công sơn có phải là cơ sở cách mạng không ?

"Điều đó rất khó nói. Nhưng anh Sơn biết tôi là cơ sở của thành uỷ, làm việc với tôi có nghĩa là làm việc với Cách mạng."

- Phải chăng vì thế mà lúc ấy Trịnh Công Sơn có một ngôn ngữ viết chịu ảnh hưởng ngôn ngữ cách mạng ?

Lê Khắc Cần giải thích :

"Có lẽ. Bởi vì lúc ấy chúng tôi trong ấy có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái Radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng thì chuyện ngôn ngữ viết bài đấu tranh cách mạng bị ảnh hưởng là chuyện thường".

Được Lê khắc Cầm vui vẻ trả lời, tôi hỏi thêm :

Theo chúng tôi được biết lúc đó giao thông giữa Huế và Sài Gòn rất khó khăn, các anh lại đang bị theo dõi, vậy bằng cách nào các anh có thể chuyển bản thảo số đặc san đặc biệt ấy vào Sài Gòn được an toàn như thế ?

Lê Khắc Cầm "bật mí" :

"Chuyện này nhờ sự quan hệ rộng rãi của Trịnh Công Sơn. Lúc ấy trong gia đình Trịnh Công Sơn có một người bạn là anh Nguyễn hữu Đ. Nhân anh Đ. ra Huế và trở lại Sài Gòn bằng máy bay của Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh công Sơn nhờ anh Đ. chuyển. Như thế làm sao không an toàn được ?

****

Tôi là người xuất thân trong Phong trào đấu tranh ở các đô thị miền Nam, anh Thái Ngọc San cũng thế, vậy mà chuyện của phong trào cách đây ba, bốn mươi năm vẫn còn nhiều cái " bất ngờ "đối với chúng tôi. Riêng trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một người có trái tim lớn, ít bộc bạch chuyện chính trị của mình, lại giao thiệp rất rộng, nên nếu không ở gần anh trong từng trường hợp khó có thể nói đúng về anh. Sau sự kiện " Thư gởi Ngô Kha ", tôi đã khám phá thêm nhiều chuyện " tầy trời " mà Trịnh Công Sơn đã từng đóng vai chính. Nếu không biết những chuyện "tầy trời "ấy thì cũng sẽ không hiểu trong trường hợp nào Trịnh công Sơn soạn Kinh Việt Nam, Nối vòng tay lớn, Huế Sài gòn - Hà Nội v.v...

Vẫn còn đó những bí ẩn về cuộc đời người nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Đắc Xuân

Các thao tác trên Tài liệu